Nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu được triển khai ứng dụng thường quy, giúp người dân trong tỉnh Thanh Hóa được thụ hưởng những dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng cao, không phải lên tuyến trên, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, giảm chi phí về kinh tế.
Bệnh nhân Nguyễn Thị T. (58 tuổi, xã Định Tăng, huyện Yên Định) có tiền sử suy tim, điều trị hẹp hở hai lá, hẹp hở van động mạch chủ, gần đây xuất hiện triệu chứng đau ngực trái âm ỉ, khó thở, tiểu ít, ăn ngủ kém, mệt mỏi, không đáp ứng với điều trị nội khoa. Sau khi thăm khám và hội chẩn các chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy tim, hẹp hở van hai lá, hẹp hở van động mạch chủ và hở van ba lá, có chỉ định phẫu thuật thay van tim hai lá, thay van động mạch chủ, sửa van ba lá và đặt vòng van.
Bà Nguyễn Thị T. chia sẻ: “Tôi bị bệnh tim nhiều năm và đã từng đi khám tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, các bác sĩ cũng tư vấn là nên phẫu thuật nhưng do ở xa đi lại rất mệt mỏi và tốn kém nên tôi chưa muốn làm. Lần này được biết các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá có thể chữa được bệnh của tôi, nên tôi vô cùng phấn khởi, tin tưởng đồng ý phẫu thuật ngay tại bệnh viện”.
Sau 5 giờ thực hiện kỹ thuật, ê kip các y bác sĩ thuộc các chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh - Lồng ngực, Gây mê hồi sức đã phẫu thuật thành công thay van tim hai lá, thay van động mạnh chủ, sửa van ba lá và đặt vòng van cho bệnh nhân Nguyễn Thị T.
Cùng với đó, trong 2 tuần qua, kíp mổ còn tiến hành phẫu thuật cho 3 bệnh nhân mắc bệnh lý van tim, bệnh tim bẩm sinh phải thay và sửa nhiều van tim cùng lúc và 1 bệnh nhân có u nhầy nhĩ trái khác.
Hai trường hợp bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh là bệnh nhân Huỳnh Văn A. (19 tuổi, xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn) và bệnh nhân Nguyễn Trọng T. (24 tuổi, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa) bị thông liên nhĩ và hở van ba lá. Cả hai bệnh nhân đã được phẫu thuật đóng lỗ thông liên nhĩ, sửa van ba lá và đặt vòng van.
Trường hợp tiếp theo là bệnh nhân Nguyễn Văn H. (67 tuổi, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa) bị hẹp hở van hai lá, hở van động mạch chủ, bệnh nhân được phẫu thuật thay van hai lá, thay van động mạch chủ sinh học. Và một trường hợp nữa là bệnh nhân Lê Thị P. (67 tuổi, xã Thăng Bình, huyện Nông Cống) có u nhầy nhĩ trái đường kính 5cm, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt u nhầy.
Cả 5 bệnh nhân sau phẫu thuật đến nay sức khỏe đang hồi phục tốt, các chỉ số tim mạch ổn định, chức năng tim được cải thiện rất tốt trên siêu âm tim cũng như trên lâm sàng. Dự kiến các bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 2 tuần theo dõi điều trị.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tô Hoàng - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Phẫu thuật thay van tim là kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại. Thêm vào đó, việc chăm sóc hậu phẫu rất quan trọng để bệnh nhân phục hồi tốt. Sau ca mổ kéo dài, bệnh nhân được chuyển phòng hậu phẫu mổ tim riêng biệt, hạn chế người ra vào để tránh nguy cơ nhiễm trùng, theo dõi chặt chẽ 24/24h. Sau khoảng 5-7 ngày, bệnh nhân được chuyển Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Lồng ngực để tiếp tục theo dõi và tập chức năng hô hấp”.
Tiếp nối những thành công trong phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã duy trì thực hiện nhiều kĩ thuật khó chuyên ngành Ngoại Tim mạch - Lồng ngực như: Phẫu thuật nội soi cắt u trung thất; phẫu thuật tim kín, tim hở, phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ; phẫu thuật cấp cứu vết thương tim; phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ; phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ - động mạch vành, phẫu thuật thay và sửa nhiều van tim cùng lúc, phẫu thuật điều trị lõm ngực bẩm sinh (phẫu thuật NUSS); phẫu thuật cắt phân thùy phổi trong điều trị chấn thương, ung thư; phẫu thuật điều trị các khối u vùng cổ, thành ngực; phẫu thuật các vết thương mạch máu ngoại vi, vùng cổ, nền cổ;…
Với hệ thống máy móc, trang thiết bị can thiệp và mổ tim đồng bộ, hiện đại cùng nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là nền tảng quan trọng để Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ thêm nhiều kỹ thuật khó và phức tạp khác nhằm hoàn thiện, nâng cao hơn nữa khả năng điều trị trong lĩnh vực tim mạch ở cả 4 chuyên ngành: Nội khoa, Ngoại khoa, Can thiệp tim mạch, thăm dò điện sinh lý tim, mở ra hy vọng điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch phức tạp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh vùng lân cận.