Ngày 28/9, báo cáo tại hội nghị sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão Yagi, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, thông tin, ngày 7/9, bão Yagi với sức gió lúc đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng cấp 12-14 và mưa lớn toàn miền Bắc sau bão khiến 344 người chết và mất tích.
Bão lũ làm 281.966 ngôi nhà bị hư hỏng và tốc mái, 112.034 nhà bị ngập. 14 sự cố đường dây 500 kV và nhiều sự cố khác khiến hơn 6 triệu khách hàng bị mất điện, trong đó có hơn 430 khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Bộ trưởng dẫn số liệu thống kê cập nhật đến ngày 27/9, Quảng Ninh là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất, lên tới 24.876 tỷ đồng; Hải Phòng 12.249 tỷ đồng; Lào Cai 6.687 tỷ đồng; Yên Bái 5.738 tỷ đồng; Hoà Bình 1.065 tỷ đồng; Bắc Giang 5.000 tỷ đồng; Hải Dương 7.498 tỷ đồng; Hưng Yên 3.637 tỷ đồng... Về kinh tế, thiệt hại ước tính ban đầu hơn 81.500 tỷ đồng, riêng thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp là trên 30.800 tỷ đồng.
Như vậy, thiệt hại về kinh tế do bão Yagi đã tăng thêm hơn 20.000 tỷ đồng so với một tuần trước. Trong bài viết ngày 21/9 về khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn thống kê thiệt hại kinh tế do bão Yagi là 61.000 tỷ đồng, khiến GDP cả nước năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra (6,8-7%).
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra hàng loạt khó khăn trong ứng phó bão Yagi, trong đó các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, diện rộng, vùng sâu khi bị chia cắt còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế. Cảnh báo nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ "còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão vào". Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó.
Ông Hoan cũng cho rằng còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm khuyến cáo phòng chống bão dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản như ở lại trên tàu thuyền, đi lại trên đường khi có gió bão. Có nơi chưa triệt để cắt tỉa cành cây, gia cố nhà cửa, biển quảng cáo dẫn đến bị tốc mái, gẫy đổ rất nhiều.
Phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai, cứu nạn còn "thiếu và yếu", chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là khi xảy ra tình huống ở vùng sâu, thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là nhà dân còn thấp trước sức tàn phá của bão lũ. Giao thông thường xuyên sạt lở, ngập sâu, chia cắt.
Bộ trưởng Hoan cho rằng công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất là về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất có vai trò quan trọng hàng đầu trong điều hành, ứng phó. Tuy nhiên, cảnh báo mưa lớn, lũ vượt lịch sử; dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng (nhất là hồ Thác Bà) "chưa kịp thời, tin cậy, chưa bám sát thực tế".
Các cơ quan cũng chưa xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tới từng thôn bản để người dân biết, phục vụ di dời, sắp xếp dân cư. Quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng "còn một số hạn chế, bất cập".
"Trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình là bài học cảnh tỉnh cho các địa phương trong việc khai thác, sử dụng bãi sông", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bão số 3 đi qua đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về người và tài sản, những cũng để lại những bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành phòng, chống thiên tai liên quan đến thể chế, hạ tầng, nhân lực,… Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.