Ba kịch bản tăng trưởng nông nghiệp ứng phó thuế quan từ Mỹ

22/04/2025 09:51

Trước khả năng Mỹ áp thuế đối ứng cao với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự báo một số kịch bản và giải pháp cần thực hiện.

Dưới tác động ngày càng rõ nét của chính sách thuế quan từ Mỹ, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường ) đã đưa ra 3 kịch bản dự báo cho ngành nông lâm thủy sản Việt Nam trong năm 2025. 

Mỗi kịch bản đều gắn liền với những mức thuế cụ thể mà Mỹ có thể áp dụng, từ đó phản ánh tác động tương ứng đến kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng ngành. Đồng thời, Viện cũng kiến nghị một loạt giải pháp chiến lược nhằm đảm bảo tính chủ động, linh hoạt và khả năng thích ứng của toàn ngành trong bối cảnh mới.

Kịch bản 1, nếu thuế duy trì ở mức 10% trong cả năm và áp dụng đồng đều với nhiều nước, tác động đến tăng trưởng ngành nông nghiệp sẽ không đáng kể.

Kịch bản 2, nếu hai bên đàm phán và thống nhất mức thuế là 20% sau giai đoạn hoãn, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể giảm khoảng 20%. Khi đó, tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản cả năm 2025 sẽ giảm từ 0,15 đến 2 điểm phần trăm, còn khoảng 3,8–3,85%.

Kịch bản 3, trường hợp sau thời gian hoãn thuế, Mỹ vẫn áp mức thuế 46% với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Dự kiến xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2025 sẽ giảm 40%. Với mức giảm này thì tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản năm 2025 sẽ có thể giảm 0,3-0,4 điểm phần trăm, còn từ 3,6-3,8%.

Ba kịch bản tăng trưởng nông nghiệp ứng phó thuế quan từ Mỹ- Ảnh 1.

Việt Nam chuẩn bị 3 kịch bản tăng trưởng nông nghiệp ứng phó với thuế quan Mỹ. Ảnh: Internet

Trước nguy cơ đó, Viện Chiến lược đề xuất cần tăng cường đối thoại với Mỹ để tìm giải pháp giảm thuế nhập khẩu hai chiều hoặc xin miễn giảm thuế đối với một số mặt hàng nông sản chiến lược. Song song, cần đẩy mạnh minh bạch hóa xuất xứ hàng hóa và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng rõ ràng.

Viện cũng đề xuất triển khai nhanh các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các ngành hàng chịu tác động mạnh, như miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với các hộ sản xuất nông lâm thủy sản. Ngoài ra, có thể tạm hoãn thu thuế, hỗ trợ lãi suất tín dụng và giảm thuế nhập khẩu đầu vào để giảm chi phí sản xuất.

Cùng với đó là tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành, chủ yếu thông qua nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho nông lâm thủy sản Việt Nam, theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 

Một số giải pháp khác cần thực hiện nữa là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, Việt Nam cần mở rộng sang các quốc gia thuộc BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ), Mỹ Latinh, châu Phi và các thị trường Halal.

Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, điều chỉnh chính sách linh hoạt để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% toàn nền kinh tế và giữ ổn định cho ngành nông nghiệp trong bối cảnh thương mại quốc tế biến động mạnh.

Thương Huyền (t/h)