9 thay đổi biến Bệnh viện Bạch Mai từ chỗ "ban phát, làm ơn" chuyển sang cung cấp dịch vụ đặc biệt

22/04/2021 16:03

Coi sức khoẻ là tài sản quý nhất của mỗi người và việc khám chữa bệnh là cung cấp dịch vụ đặc biệt, Bệnh viện Bạch Mai đã có thay đổi tích cực và đều hướng tới bệnh nhân.

mai1-1619056887.jpeg

Trong công văn số 949 của Bệnh viện Bạch Mai gửi tới Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ thông tin truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam, phía bệnh viện cho biết, có rất nhiều trở ngại trong hành trình tiến hành đổi mới để thay đổi từng nếp nghĩ, cách làm hàng chục năm nay tồn tại ở BV, trong đó có việc thay đổi cách nhìn của nhân viên y tế về hoạt động của bệnh viện và công việc của các y bác sĩ, nhân viên bệnh viện từ vị trí ban phát, làm ơn nay chuyển sang người cung cấp dịch vụ đặc biệt.

Lãnh đạo Bệnh viện cho hay, kết quả bước khi khai cơ chế tự chủ theo Quyết định số 268/QĐ-TTg là rất đáng khích lệ với dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hài lòng của người bệnh, người nhà tăng lên thể hiện qua các hoạt động cụ thể:

1. Bệnh viện đã triển khai rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong toàn Bệnh viện: Thành lập các trung tâm y tế chuyên sâu như Trung tâm: Cấp cứu A9; Đột quỵ; Tiêu hoá - Gan mật; Thận - Tiết niệu và Lọc máu. Thành lập các đơn vị khoa phòng mới như Khoa: Phẫu thuật Tiêu hoá - Gan mật tuỵ; Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ; Khám chữa bệnh Quốc tế. Phòng Đấu thầu, Viện Khoa học sức khoẻ.

Tập trung rà soát vị trí việc làm, tinh giản những lao động dôi dư không cần thiết (62 nhân viên hợp đồng lao động làm công việc giản đơn tại Đơn vị dịch vụ và 51 nhân viên hợp đồng lao động tại Hệ thống nhà thuốc), bố trí lại lao động phù hợp với trình độ, vị trí việc làm để giảm chi ngân sách, tổ chức lại một số đơn vị trực thuộc Bệnh viện.

mai2-1619056887.jpeg
Bệnh viện Bạch Mai thay đổi đều hướng tới người bệnh

Giải thể các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không còn phù hợp trong tình hình phát triển chung của Bệnh viện như Đơn vị dịch vụ, dịch vụ tang lễ; thực hiện sáp nhập các đơn vị lại để đảm bảo cơ cấu tổ chức tinh gọn và hiệu quả; 

2. Triển khai thí điểm chăm sóc toàn diện tại các khoa phòng trong khi người bệnh không phải chi trả thêm bất kỳ chi phí nào.

Điều này không chỉ hỗ trợ gia đình những người bệnh đặc biệt tới từ ngoại tỉnh, đồng thời còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch từ cộng đồng vào Bệnh viện qua những người chăm sóc, giải pháp này nhận được sự ủng hộ của người dân, của người bệnh và người nhà người bệnh tại Bệnh viện.

Việc sắp xếp, kiện toàn nhân lực, bố trí cán bộ y tế thực hiện triển khai chăm sóc toàn diện là một bước đột phá mang lại niềm tin của nhân dân vào dịch vụ y tế chất lượng cao, cũng là tiền đề phát triển các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân trong thời kỳ mới; 

3. Đảm bảo không có tình trạng người bệnh nội trú phải nằm ghép giường: Giảm số bệnh nhân nội trú từ 5.000 - 5.500 xuống còn 3.000 - 3.200; 

4Tập trung tái khám của các chuyên khoa ra khoa Khám bệnh, đảm bảo phân luồng riêng giữa điều trị nội trú và khám bệnh ngoại trú, tránh xung đột giao thông và phòng lây chéo các bệnh dịch.

Tổ chức cung cấp nước nóng - lạnh miễn phí cho người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú. Lắp đặt cây máy sưởi công nghiệp tại những điểm chờ tronkhuôn viên của Bệnh viện trong mùa đông giá rét để phục vụ người nhà người bệnh.

Kiện toàn tổ chức, cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị lâm sàng, cận lâm sàng và phòng ban chức năng tại Khoa Khám bệnh, Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; 

5. Cơ sở hạ tầng của bệnh viện được chỉnh trang "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn"; Phân luồng kiểm soát giao thông nhằm giảm tải tắc nghẽn và tình trạng xe cộ đi lại nhiều trong khuôn viên Bệnh viện.

Quản lý phương tiện ô tô, xe máy ra vào bằng hệ thống thẻ tự động nhằm giảm thời gian lấy, gửi xe, đồng thời tránh thất thoát, tăng nguồn thu cho Bệnh viện; 

6. Rà soát, xây dựng danh mục thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị phù hợp về mặt chất lượng và giá cả. Xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động của hệ thống nhà thuốc, các máy xã hội hóa đang triển khai tại Bệnh viện tránh sai phạm và thất thoát.

Hiện nay, giá dịch vụ các thiết bị xã hội hoá đã hết khấu hao được đưa về giá chi trả của BHYT để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân; 

7. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế, Bệnh viện đã phối hợp với Ban quản lý dự án Y tế trọng điểm Bộ Y tế và các nhà thầu để sớm đưa Bệnh viện Bạch Mai tại Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đi vào hoạt động chính thức.

mai3-1619056887.jpeg
100% hài lòng khi tới Bệnh viện Bạch Mai điều trị

8Căn cứ thực trạng công tác đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất sinh phẩm, trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, Đảng ủy, Hội đồng quản lý và Ban Giám đốc đã thống nhất thông qua chủ trương thành lập Phòng Đấu thầu chuyên trách thực hiện công tác tham mưu cho Đảng uỷ, Hội đồng quản lý và Ban Giám đốc Bệnh viện về đấu thầu, mua sắm tập trung để đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm các nguồn chi phí thường xuyên qua công tác đấu thầu.

9. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Tập thể Lãnh đạo Bệnh viện cùng toàn thể cán bộ nhân viên Bệnh viện một lòng xây dựng phát triển Bệnh viện, sửa sang, quy hoạch lại Bệnh viện xanh, sạch đẹp... mang lại sự hài lòng cho người dân.

Năm 2020, Bệnh viện đã thực hiện các đợt khảo sát xã hội học về sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh đối với dịch vụ y tế và điều hành hoạt động của Bệnh viện.

Kết quả: Tỷ lệ hài lòng chung người bệnh nội trú Bệnh viện Bạch Mai, tại thời điểm khảo sát tháng 6/2020 đạt 96,35%, tăng 5,97% so với kết quả năm 2019, đặc biệt tỷ lệ người bệnh rất hài lòng tăng 28%; Tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh ngoại trú Khoa Khám, chữa bệnh theo yêu cầu, tại thời điểm khảo sát tháng 5/2020 đạt 72,7% và tháng 9/2020 đạt 87,2%... 

Ngọc Minh