Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tháng 8/2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,36 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung, 8 tháng năm 2023, do giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng xuất khẩu chính giảm so với cùng kỳ năm trước nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5%. Trong đó, nhóm thuỷ sản 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 8,95 tỷ USD, giảm 25,1%; đầu vào sản xuất 1,32 tỷ USD, giảm 21,9%.
Một số nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như: Nông sản 16,9 tỷ USD, tăng 11,5% (đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%; gạo 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%); sản phẩm chăn nuôi 325 triệu USD, tăng 26,1%.
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính giảm, cụ thể như: Cao su 1.346 USD/tấn, giảm 19,6%; chè 1.727 USD/tấn, giảm 2,6%; hạt điều 5.761 USD/tấn, giảm 3,6%; hồ tiêu 3.263 USD/tấn, giảm 26,5%; sắn và sản phẩm từ sắn 412 USD/tấn, giảm 6,4%... Riêng giá gạo 542 USD/tấn, tăng 11,5% (có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn) và cà phê 2.455 USD/tấn, tăng 8,5%.
8 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các châu lục biến động trái chiều. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 16 tỷ USD, tăng 0,2%; châu Mỹ 7,5 tỷ USD, giảm 27,4%; châu Âu 3,7 tỷ USD, giảm 13,8%; châu Phi 681 triệu USD, tăng 11,5%; châu Đại Dương 480 triệu USD, giảm 23,5%. Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản vẫn là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng gần 22%, tăng 10%; Mỹ chiếm 21%, giảm 27% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 11%.
Ở chiều ngược lại, 8 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 26,5 tỷ USD, giảm 13%. Hiện, Mỹ, Trung Quốc và Brazil là ba thị trường cung cấp các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 8 tháng qua, thị phần lần lượt chiếm 8,9%, 7,7% và 7,3% trong tổng giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Bộ NN&PTNT đánh giá, sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 cơ bản ổn định, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm; an toàn thực phẩm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.
Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...