Cảnh báo lạm dụng kháng sinh cho trẻ mắc Covid
Bác sĩ nhi khoa Trương Hoàng Hưng - Phòng khám Nhi MD KIDS PEDIATRICS, TP Irving, Texas, Hoa Kỳ - tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000 cho biết, anh nhận được đơn thuốc của một đứa trẻ 5 tuổi nhiễm Covid-19 được bác sĩ kê đơn.
Đơn thuốc bao gồm 8 loại thuốc từ thuốc ho, hạ sốt, chống ói, kháng sinh, kháng viêm. Trong 8 loại thuốc này, BS Hưng cho biết chỉ có thuốc hạ sốt, ho là trẻ dùng được, còn lại là 6 loại thuốc không cần thiết.
BS Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng chia sẻ, ông nhận được một đơn thuốc từ bà mẹ có con mắc Covid-19. Bà mẹ này gửi cho bác sĩ xem đơn thuốc điều trị cho con. Bác sĩ cũng giật mình khi đơn thuốc có tới 2 loại kháng sinh liền lúc trong khi đứa trẻ chưa có triệu chứng gì ngoài xét nghiệm dương tính. Thực tế thì trẻ nhiễm Covid-19 dù có ho, sốt cũng không cần dùng kháng sinh.
Trẻ nhiễm Covid-19 thường có các triệu chứng ho, sốt, nôn ói, mệt mỏi, đau nhức mình mẩy. Trẻ có triệu chứng gì chúng ta điều trị triệu chứng đó. Ví dụ trẻ bị sốt trên 38,5 độ C thì cha mẹ cho trẻ sử dụng hạ sốt. Nếu trẻ nôn ói thì dùng thuốc chống nôn ói. Còn trường hợp ho thì tuỳ ho như thế nào mới dùng thuốc.
Bác sĩ Tuấn cho biết nếu trẻ mắc Covid-19 hoặc bất kỳ bệnh đường hô hấp nào khác mà chỉ ho ít, vẫn chơi đùa bình thường, ngủ ngon, ăn uống không gặp khó khăn thì chúng ta không cần phải cho trẻ uống thuốc. Thay vào đó, chúng ta sẽ áp dụng những biện pháp "không dùng thuốc" như cho trẻ uống nhiều nước, sử dụng thảo dược, trà ấm loãng pha với mật ong, đồng thời tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
Các bác sĩ cho rằng trẻ mắc Covid-19 không có triệu chứng thì không uống thuốc gì
Trong trường hợp trẻ ho quá nhiều khiến đau họng, mất ngủ, không thể ăn uống thì buộc phải sử dụng thuốc. Điều quan trọng là cần phải dùng thuốc đúng lúc để thuốc phát huy hiệu quả cao nhất, tránh tốn kém và tránh những hệ luỵ từ việc lạm dụng thuốc cho trẻ. Phụ huynh cũng cần phải thận trọng khi sử dụng các loại kháng sinh cho trẻ.
Những nhóm trẻ có nguy cơ tăng nặng khi mắc Covid
Theo bác sĩ Tuấn, trong giai đoạn đầu, người dân lo lắng Covid-19 nên tìm đủ mọi cách điều trị cho con. Thậm chí, cha mẹ áp dụng cả cách điều trị của người lớn cho trẻ nhỏ từ xông hơi, sử dụng sớm kháng sinh, kháng viêm dù trẻ chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Thực tế, bác sĩ Tuấn gặp nhiều toa thuốc mẫu lưu truyền trên mạng có hàng loạt loại kháng sinh trong khi trẻ con không nhất thiết phải uống.
Còn hiện nay, phụ huynh thấy ở trẻ nhỏ ít triệu chứng nên nhiều người coi nhẹ Covid-19 ở trẻ em. Nhiều trường hợp ở trẻ em có triệu chứng nhiễm Covid-19 nhưng cha mẹ ngại test nhanh cho con với đủ lý do sợ con đau, ám ảnh, sợ dương tính gia đình phải cách ly nên họ nghi ngờ nhưng không thử. Họ âm thầm tự giữ con ở nhà, được rỉ tai hoặc lấy trên mạng các đơn thuốc về điều trị cho con.
Mặc dù đa số trẻ em nhẹ hơn người lớn nhưng không vì thế mà cha mẹ được phép coi thường. BS Tuấn nhấn mạnh, phụ huynh không nên tra cứu toa thuốc không chính thống trên mạng để áp dụng cho trẻ vì gây ra tình cảnh lợi bất cập hại.
Bác sĩ Tuấn lưu ý, khi trẻ có những yếu tố sau lại mắc thêm Covid-19, cha mẹ cần phải cảnh giác:
Thứ nhất, em bé có bệnh nền như trẻ sơ sinh cân non, suy dinh dưỡng.
Thứ hai, trẻ em béo phì. Tại TP.HCM trẻ nhiễm Covid-19 nặng đều là những trường hợp trẻ bị béo phì. Với tình trạng béo phì, thừa cân lại mắc thêm Covid-19 thì nếu cha mẹ không chú ý sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
Thứ ba, trẻ có bệnh nền như tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp lực động mạch phổi, phổi mãn tính, hen suyễn, các bẩm sinh bất thường đường thở, bại não, bệnh lý thần kinh cơ, tự kỷ …
Thứ tư, trẻ bị suy giảm miễn dịch, tiểu đường, mắc các bệnh về máu, bệnh ung thư đặc biệt là ung thư trong thời gian điều trị.
Thứ năm, trẻ đang sử dụng thuốc điều trị làm giảm khả năng miễn dịch, sử dụng Corticoid liều cao, thuốc ức chế miễn dịch thì khi nhiễm Covid-19, nguy cơ trở nặng sẽ tăng lên.
Các triệu chứng báo hiệu trẻ nhiễm Covid-19 trở nặng: Trẻ tím tái do thiếu oxy, trẻ lơ mơ, hôn mê, ngủ li bì không đánh thức được, trẻ bỏ bú, bé lớn không uống được nước, triệu chứng khó thở, co kéo lồng ngực.
Gia đình cần đo SpO2 cho trẻ. Nếu SpO2 ở trẻ em dưới 95% là dấu hiệu trở nặng. Khi trẻ có các dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa trẻ tới các bệnh viện để được cấp cứu.