5 điều KHÔNG ĐƯỢC LÀM trong quy trình tiêm vắc xin để giữ an toàn, tránh tai biến sau tiêm

09/12/2021 08:41

Theo nhóm chuyên gia, thao tác vô khuẩn trong rã đông, pha loãng và tiêm vắc xin rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh và hạn chế các tai biến sau tiêm chủng.

vac-1639014030.jpg

Lưu ý quan trọng về pha loãng vắc xin 

- Không bao giờ được pha tiêm vắc-xin bằng chất pha loãng khác với quy định của nhà sản xuất

- Không được phép thay thế dung môi pha tiêm vắc-xin bằng nước cất

- Không được tiêm vắc-xin đường uống hoặc dùng chất pha loãng để pha chế lại vắc-xin đường uống

- Không bao giờ được đông lạnh dung dịch pha tiêm vắc-xin có chứa hoạt chất

- Không bao giờ được tiêm vắc-xin đã pha loãng khi quan sát thấy các hạt nhỏ bất thường có trong vắc-xin

Di chuyển, bảo quản vắc xin

- Di chuyển vắc xin: Luôn di chuyển vắc xin với đá khô và trong khu vực thông gió tốt trước khi mở lô vắc xin.

- Bảo quản vắc xin: Nếu dây chuyền lạnh không được bảo dưỡng đúng cách, vắc xin có thể bị hỏng và không sử dụng được. Mỗi loại vắc-xin khác nhau có thời gian, nhiệt độ bảo quản khác nhau theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

5 điều KHÔNG ĐƯỢC LÀM trong quy trình tiêm vắc xin để giữ an toàn, tránh tai biến sau tiêm - Ảnh 1.

Mỗi loại vắc xin sẽ có thời gian, nhiệt độ bảo quản khác nhau

Tầm quan trọng của việc theo dõi nhiệt độ

- Sử dụng thiết bị theo dõi nhiệt độ liên tục: ghi lại nhiệt độ thấp nhất và cao nhất, thời gian theo dõi.

- Sau khi rã đông, mỗi loại vắc xin sẽ chỉ được lưu trữ trong một thời gian nhất định ở một nhiệt độ nhất định. Đặc biệt lưu ý: Khi đã rã đông không để đông băng lại.

Bảo đảm quy trình tiêm:

1. Công tác trước khi tiêm chủng

- Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, đảm bảo giãn cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng.

- Bố trí đủ diện tích ở khu vực chờ trước tiêm chủng và khu vực ở lại theo dõi sau tiêm chủng để đảm bảo giãn cách giữa các đối tượng.

- Có sơ đồ hướng dẫn để người đến tiêm chủng dễ dàng thực hiện, sơ đồ gồm: Đón tiếp, hướng dẫn khai báo y tế → Khu vực chờ trước tiêm chủng → Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → Bàn tiêm chủng, ghi chép vào sổ tiêm chủng → Khu vực ở lại theo dõi sau tiêm chủng.

2. Pha loãng vắc xin trước khi sử dụng

- Vắc xin khi đã rã đông chỉ được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định.

- Kiểm tra đảm bảo vắc xin đã được rã đông hoàn toàn.

3. Dụng cụ cần thiết trong buổi tiêm chủng

Các dụng cụ trong buổi tiêm chủng gồm: bàn tiêm chủng, hộp an toàn, túi hoặc hộp đựng vỏ lọ vắc xin đặt phía dưới bàn, thùng rác đặt phía dưới bàn.

4. Khi thực hiện tiêm vắc xin

- Các quy trình lặp lại: Đảm bảo các quy trình vô trùng khi thực hiện (rửa tay, đeo găng vô khuẩn,...); Pha loãng vắc xin trước khi sử dụng và tiêm vắc xin; Kiểm tra vắc xin/dung dịch pha loãng trước khi sử dụng kiểm tra nhãn lọ vắc xin. Nếu không có nhãn phải hủy bỏ.

- Đọc nhãn trên chất pha loãng để chắc chắn rằng đó chính xác là loại chất pha loãng được nhà sản xuất chỉ định và kiểm tra hàm lượng có ghi ở ngoài lọ.

- Không sử dụng vắc xin hoặc dung dịch pha loãng đã hết hạn.

- Dung dịch nước pha không cần bảo quản lạnh trong quá trình bảo quản và vận chuyển. Tại buổi tiêm chủng bảo quản cùng vắc xin trong phích vắc xin.

- Trước khi pha loãng kiểm tra hạn sử dụng của vắc xin và dung dịch pha loãng.

Sử dụng một miếng bông cồn mới, vô trùng cho mỗi lọ, lau sạch các nút của lọ nước pha và lọ vắc xin. Sử dụng bơm kim tiêm (5 ml hoặc 3 ml), rút nước pha vào bơm tiêm. Bỏ đi số nước pha còn lại trong lọ. Không sử dụng dung dịch thông thường hoặc các chất pha loãng khác để pha vắc xin.

Cân bằng áp suất trong lọ vắc xin trước khi rút kim tiêm ra khỏi lọ bằng cách dùng chính bơm tiêm đó hút ngược lại lượng không khí tương đương với lượng nước vừa bơm vào để loại bỏ không khí khỏi lọ vắc xin.

Nhẹ nhàng đảo ngược theo chiều thẳng đứng lọ vắc xin đã pha loãng.

Bảo quản lọ vắc xin đã pha trong khoảng nhiệt độ theo quy định. Không được để đông băng vắc xin. Tránh vắc xin tiếp xúc với ánh sáng phòng, ánh sáng mặt trời và tia cực tím. Tại bàn tiêm chủng bảo quản vắc xin trong phích vắc xin.

5 điều KHÔNG ĐƯỢC LÀM trong quy trình tiêm vắc xin để giữ an toàn, tránh tai biến sau tiêm - Ảnh 2.

Trước khi tiến hành tiêm vắc xin cũng cần thận trọng

5. Thực hành tiêm vắc xin

- Sát trùng nút lọ vắc xin đã pha bằng một miếng bông cồn mới, vô trùng. Rút 0,3 ml vắc xin đã pha loãng vào bơm tiêm.

- Không bao giờ pha sẵn vắc-xin với mục đích tiết kiệm thời gian. Vắc-xin nên được chuẩn bị riêng biệt cho từng người.

- Sử dụng ống tiêm, kim tiêm vô trùng mới để rút từng lọ vắc-xin, và tương tự, sử dụng ống tiêm, kim tiêm vô trùng mới để tiêm vắc-xin. Sau khi tiêm, thả ống tiêm và kim tiêm đã qua sử dụng vào hộp quy định.

- Nếu lượng vắc xin còn lại trong lọ không đủ liều, hãy hủy bỏ luôn bơm kim tiêm và vắc xin có trong bơm kim tiêm.

- Loại bỏ bọt khí có trong bơm tiêm ngay khi kim tiêm vẫn còn trong lọ để tránh thất thoát vắc xin. Sử dụng cùng một bơm kim tiêm để rút và tiêm vắc xin.

6. Kết thúc buổi tiêm chủng

- Bảo quản những lọ vắc xin, nước pha chưa mở trong hộp riêng trong dây chuyền lạnh, ưu tiên sử dụng trước trong buổi tiêm chủng sau.

- Những bơm kim tiêm chưa sử dụng bảo quản theo quy định để dùng lần sau.

- Các lọ vắc xin đã mở không được tiếp tục sử dụng và để trong túi/hộp đựng rác riêng.

- Bỏ bơm tiêm và kim tiêm vào hộp an toàn ngay sau khi tiêm, hủy hộp an toàn sau khi đầy.

Nhóm tác giả:

Nguyễn Thị Hiền Hậu, Khoa Y, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng

Nguyễn Ngọc Thanh Hà, Khoa Y - Dược, Đại học Trà Vinh, Trà Vinh

PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Huy, Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.health.state.mn.us/diseases/coronavirus/vaccine/guideappa.pdf

2. https://www.vinmec.com/vi/vac-xin/kien-thuc-tiem-chung/pha-loang-vac-xin-nhu-nao-la-dung-cach/?link_type=related_posts

3. Hướng dẫn tiêm chủng các vắc xin Covid-19 - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương dự án tiêm chủng mở rộng

4. Sổ tay hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 (vắc xin phòng Covid-19 Moderna) - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

5. Sổ tay hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 (Comirnaty của Pfizer – Biontech) - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Nhóm nghiên cứu chống dịch COVID toàn cầu