30% dự án tái khởi động dưới thương hiệu mới

03/09/2024 10:00

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn đang chứng kiến tỷ lệ chuyển đổi, mang thương hiệu quốc tế cao kỷ lục trong hai năm trở lại đây.

Báo cáo của Savills cho biết, bước sang năm 2024, thị trường lưu trú Việt Nam ghi nhận sự cải thiện công suất phòng rõ rệt qua từng tháng, nhờ đó góp phần cải thiện chỉ số doanh thu trên mỗi phòng sẵn có (RevPar). Trong 7 tháng năm 2024, chỉ số RevPAR tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, và là một trong những mức tăng trưởng tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn đang tích cực tái định vị thương hiệu để hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: The Leader

Các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn đang tích cực tái định vị thương hiệu để hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: The Leader

Để gia tăng lợi thế cạnh tranh, nhiều chủ sở hữu khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang ngày càng quan tâm hơn đến việc hợp tác với các nhà điều hành quốc tế để chuyển đổi hoặc nâng cấp thương hiệu.

Việc kí kết với các dự án cải tạo, tái định vị thương hiệu giúp các chuỗi khách sạn gia tăng danh mục dự án đang hoạt động tại Việt Nam một cách nhanh chóng hơn. Kể từ sau đại dịch, thị trường ghi nhận nhiều dự án chuyển đổi thương hiệu.

Giai đoạn 2022-2023 đánh dấu tỷ lệ dự án chuyển đổi thương hiệu cao kỉ lục, chiếm đến 52% tổng số dự án mang thương hiệu khách sạn quốc tế được mở mới trong giai đoạn này. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục, với ước tính khoảng 30% tổng số dự án mang thương hiệu khách sạn quốc tế mở mới trong năm 2024 tiếp tục là dự án chuyển đổi thương hiệu.

Trước đó, làn sóng phát triển khách sạn mang thương hiệu nhà điều hành quốc tế đã sớm khởi đầu tại Việt Nam vào những năm 2008-2010. Thông thường, một hợp đồng quản lý khách sạn có thời hạn từ 10 đến 15 năm.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều hợp đồng quản lý đã gần hết hạn. Một số chủ sở hữu đang cân nhắc gia hạn hợp đồng, một số khác lại cân nhắc phương án thay đổi thương hiệu khác, đặc biệt trong trường hợp dự án cần cải tạo và có khả năng nâng cấp lên thương hiệu cao cấp hơn.

Một số dự án đã ngưng trệ nhiều năm nay cũng đang trao đổi với các nhà điều hành khách sạn để tái khởi động trở lại dưới thương hiệu mới. 

Ví dụ, khách sạn Hilton Hà Nội Opera đang trong quá trình nâng cấp thành dự án mang thương hiệu Waldorf Astoria đầu tiên tại Việt Nam, hay Meliá Ba Vì Mountain Retreat sẽ được tái định vị thành Meliá Ba Vì Mountain, Member of Meliá Collection. Khách sạn InterContinental tại TP.HCM cũng đang được chuyển đổi thành JW Marriott.

Xu hướng song hành cùng các thương hiệu khách sạn quốc tế cũng đang mở rộng sang lĩnh vực bất động sản nhà ở, để phát triển dòng sản phẩm bất động sản mang thương hiệu theo tiêu chuẩn cao cấp.

An Mai (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "30% dự án tái khởi động dưới thương hiệu mới" tại chuyên mục TIN TỨC.