170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

19/10/2023 16:34

So với 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của 2 tháng trước, số liệu Bộ Công thương vừa công bố, tính đến 18/10, cả nước chỉ còn 170 thương nhân.

Theo đó, có 170 thương nhân lọt danh sách này. TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nhất với 37 thương nhân. Tiếp theo là TP Cần Thơ với 36 thương nhân; Long An với 22 thương nhân; An Giang với 16 thương nhân.

Một số địa phương như Hà Nam, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng... chỉ có duy nhất 1 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Cả nước còn 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Gạo là một trong những nhóm hàng nông sản tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao trong 9 tháng qua.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 9, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng đến 80% so với cùng kỳ năm trước và đạt giá trị đến 495 triệu USD. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu gạo đạt kim ngạch 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt trị giá của cả năm ngoái (3,45 tỷ USD) và là kết quả xuất khẩu cao nhất trong 10 năm.

Trong quý 4/2023, dự báo mỗi tháng sẽ xuất khẩu khoảng 500 nghìn tấn. Như vậy, khả năng cả năm sẽ xuất khẩu kỷ lục 8 triệu tấn gạo, lập kỷ lục kim ngạch 4,5 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 633 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm dao động ổn định quanh mức 618 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn.

Diễn biến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã nóng lên từ nửa cuối tháng 7, do Ấn Độ và Nga, UAE ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Ngành sản xuất lúa gạo trong nước tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giảm sản lượng, tăng chất lượng, với các chủng loại gạo cao cấp, gạo thơm, tập trung vào các yêu cầu cao của thị trường thế giới, như sản xuất xanh, giảm phát thải, giảm thuốc trừ sâu, tăng sử dụng phân bón hữu cơ…

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.a

Huyền My (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo" tại chuyên mục KINH TẾ.