Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc "phi mã" tôm hùm dẫn đầu đà tăng trưởng

30/03/2025 12:01

Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước trong hai tháng đầu năm đạt 605 triệu USD, tăng mạnh 46% so với cùng kỳ năm 2024.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc "phi mã" tôm hùm dẫn đầu đà tăng trưởng

Trong cơ cấu các loại tôm xuất khẩu, tôm chân trắng vẫn giữ vị trí dẫn đầu về giá trị với 344 triệu USD, ghi nhận mức tăng trưởng 15%. Tuy nhiên, tôm sú lại chứng kiến sự sụt giảm nhẹ 5%, đạt 45 triệu USD. Điểm sáng nổi bật thuộc về nhóm tôm khác, bao gồm tôm hùm và tôm càng xanh, với mức xuất khẩu đạt 216 triệu USD, tăng trưởng ngoạn mục 222%.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong hai tháng đầu năm, với giá trị đạt 204 triệu USD, chiếm 34% tổng giá trị xuất khẩu và tăng trưởng đột phá 150% so với cùng kỳ năm trước. VASEP nhận định, động lực chính cho sự tăng trưởng này đến từ doanh số xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng mạnh.

Hiện tại, tôm chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc, với 24% về khối lượng và 41% về giá trị. Tôm cũng là mặt hàng thủy sản phổ biến nhất trên các nền tảng thương mại điện tử tại quốc gia này, đặc biệt được ưa chuộng bởi người tiêu dùng tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Trước đó, năm 2024 đã đánh dấu bước ngoặt khi xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023, giúp thị trường này vượt qua Mỹ để trở thành "khách hàng" lớn nhất của ngành tôm Việt Nam.

Trái ngược với sự tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong hai tháng đầu năm chỉ đạt 77 triệu USD, tăng trưởng khiêm tốn 7%. VASEP đánh giá đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chủ lực của Việt Nam.

Hiệp hội cũng chỉ ra rằng, tâm lý lo ngại của người tiêu dùng Mỹ về khả năng tăng giá các sản phẩm hải sản do chính sách thuế nhập khẩu chưa rõ ràng, kết hợp với tình hình lạm phát, đã dẫn đến xu hướng giảm chi tiêu cho các mặt hàng này, bao gồm cả tôm. Thêm vào đó, yếu tố mùa chay đến muộn cũng góp phần ảnh hưởng đến sức tiêu thụ tôm tại thị trường Mỹ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, VASEP kỳ vọng nhu cầu từ thị trường này sẽ phục hồi khi các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định hơn.

Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm từ 4 đến 4,3 tỷ USD trong năm nay, VASEP nhận định ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào việc điều chỉnh chiến lược sản xuất và mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như Australia, khu vực Trung Đông, Anh và Hàn Quốc.

Tâm An (t/h)