Dữ liệu hải quan cho thấy Việt Nam đã xuất khẩu 293.484 tấn gạo trong nửa đầu tháng 11/2024. Tính đến ngày 15/11, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã vượt số lượng 8 triệu tấn, gần tương đương với con số kỷ lục 8,1 triệu tấn của năm 2023.
Đáng chú ý hơn là kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên trong lịch sử vượt 5 tỷ USD. Đạt được thành tích này nhờ giá gạo xuất khẩu đạt mức cao ngay từ đầu năm, giá bình quân 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu ở ĐBSCL, giá gạo hiện tăng khoảng 5 - 10 USD/tấn so với tuần trước do đã vào cuối vụ thu hoạch lúa vụ 3, gạo nguyên liệu nội địa không còn trong khi nhu cầu tiêu thụ gạo tiếp tục tăng. Tăng mạnh nhất là các loại gạo thơm, chất lượng cao như các dòng ST24, ST25 do thị trường nội địa tiêu thụ mạnh dịp cuối năm.
Với các loại gạo thông dụng, các doanh nghiệp đang thu gom để trả đơn hàng cho thị trường Indonesia trúng thầu gần 100.000 tấn hồi đầu tháng này. Bên cạnh đó, "khách ruột" Philippines và nhiều thị trường khác đều đang có nhu cầu tăng mua.
Cập nhật từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo thế giới đang tăng trở lại trong tuần qua và gạo VN vẫn duy trì mức cao nhất thế giới. Cụ thể, gạo 5% tấm xuất khẩu của VN đang ở mức 522 USD/tấn, tăng 4 USD so với đầu tuần. Tương tự, gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan cũng tăng 3 USD lên mức 490 USD/tấn, gạo Pakistan tăng 3 USD lên 458 USD/tấn và Ấn Độ tăng 2 USD lên 450 USD/tấn.
Bối cảnh của thị trường gạo gây bất ngờ cho giới quan sát bởi trước đó, việc Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - "mở kho" gây lo ngại về giá gạo trên thị trường. Thế nhưng thực tế thì ngược lại. Bất chấp nước này xuất khẩu kỷ lục, giá gạo thế giới vẫn tăng. Theo một số chuyên gia, có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là nhu cầu gạo của các nước tiếp tục tăng. Thứ hai là lo ngại về chính sách vĩ mô đối với nhập khẩu và tài chính.