Có 4 thị trường đang nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam nhiều nhất là Mỹ, EU, Israel và Nga. Trong đó, Mỹ đã chi hơn 243 triệu USD nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là EU với 140 triệu USD, tăng 22%.
Đáng chú ý, trong 8 tháng qua, Nga bất ngờ chi mạnh 29 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, tăng tới 90% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam xuất sang Nga, thịt/loin cá ngừ đông lạnh (phần thịt thăn dọc sống lưng của cá ngừ - PV) là sản phẩm chủ lực, chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các tập đoàn vận tải Nga đã mở tuyến vận tải thẳng TPHCM - Hải Phòng - Vladivostok và một số tuyến mới, giúp việc vận chuyển hàng hóa nhanh hơn với thời gian ngắn hơn.
Những ưu đãi về thuế quan sau khi nước ta kí kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN- EAEUFTA) vào năm 2015, đã giúp cho hàng thủy sản của Việt Nam, trong đó có cá ngừ, có khả năng cạnh tranh lớn tại thị trường kinh tế này, nhất là thị trường Nga.
Cụ thể, Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 3 cho thị trường Nga sau Trung Quốc và Thái Lan. Trong khi mặt hàng xuất khẩu chủ lực là thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS030487 của Việt Nam đang theo thỏa thuận trong VN- EAEUFTA được miễn thuế khi xuất khẩu sang Nga, các sản phẩm của Trung Quốc và Thái Lan đang phải chịu thuế 3,8%.
Hiện, cá ngừ vằn là nguyên liệu chủ lực để chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, đạt gần 255 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ.
Năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam vẫn tiếp đà phục hồi với mức tăng 24%. Nhu cầu thị trường đang dần phục hồi, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.