Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, các đợt bùng phát dịchCOVID-19, nhất là trong nửa đầu năm 2021, đã tác động đến khả năng trả nợ của khách hàng, tạo áp lực nợ xấu lên hoạt động tín dụng ngân hàng.
Khó bán nợ, tài sản đảm bảo
Tính đến cuối tháng 5, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 256.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 337.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 677.000 khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỷ đồng.
Thực tế, theo ghi nhận của VnBusiness, trên website của hầu hết ngân hàng đều thông báo bán nợ, bán tài sản đảm bảo. Không ít khoản nợ rao bán nhiều lần vẫn chưa tìm được người mua.
Đơn cử, Vietcombank đang rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn lần thứ 8 với giá khởi điểm 22,8 tỷ đồng. Trước đó, từ tháng 10/2020,ngân hàng này liên tục tổ chức đấu giá khoản nợ, nhưng qua 7 lần rao bán và hạ giá, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư tham gia. Trong lần rao bán đầu tiên, giá khởi điểm của khoản nợ lên tới 38,6 tỷ đồng, cao hơn 70% so với giá khởi điểm hiện tại.
Thậm chí, có những khoản nợ đã phát sinh từ cách đây cả chục năm, khiến nợ lãi gấp 2 - 3 lần nợ gốc đang được nhiều ngân hàng rao bán. Chẳng hạn, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP kiến trúc và xây dựng Archplus với tổng dư nợ tính đến giữa tháng 4/2021 là 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 257 tỷ đồng, nợ lãi hơn 173,8 tỷ đồng, phí phạt quá hạn là 67,2 tỷ đồng.
Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, nợ xấu có khả năng tăng cao từ các khoản vay phát sinh trong 2 năm trở lại đây do dịch COVID-19. Theo đó, các khoản nợ xấu được phân luồng xử lý theo thứ tự ưu tiên, như: khách hàng có nguồn trả nợ nhưng bị quá hạn do dòng tiền bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngân hàng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng.
Với các khoản nợ xấu mà khách hàng không còn khả năng trả nợ, ngân hàng yêu cầu khách hàng trả nợ hoặc bàn giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng để xử lý thu hồi nợ. Tuy nhiên, cũng có không ít những khoản vay có nghĩa vụ trả nợ từ 10 năm trước nhưng khách hàng vin vào lý do dịch COVID-19 để chây ỳ, không trả nợ cho ngân hàng.
Các ngân hàng cho biết, với các khách hàng cố tình không trả nợ, chây ỳ nhiều năm nay, ngân hàng tiếp tục áp dụng Nghị quyết 42 để xử lý tài sản và thu hồi nợ. Quá trình xử lý nợ tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn của địa phương và Chính phủ về phòng chống dịch.
Sàn giao dịch nợ mới chỉ là bước đầu?
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến kéo dài và phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống tín dụng, các ngân hàng cũng như các chuyên gia kinh tế kiến nghị NHNN cần tiếp tục đưa ra những chính sách hỗ trợ xử lý nợ xấu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng khẳng định: "Ngành ngân hàng đã và đang rất tích cực đồng hành chia sẻ với người dân và doanh nghiệp để vượt qua đại dịch COVID-19. Thực tế là ngành ngân hàng là ngành đầu tiên có những quyết sách hỗ trợ ngay khi đại dịch xảy ra như ban hành Thông tư 01, Thông tư 03, giảm phí… và liên tục giảm lãi suất".
Tuy nhiên, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống một cách cao nhất. Bởi lẽ, các tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành ngân hàng sẽ có độ trễ rất lớn. "Hiện tại, ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng trong tương lai khi nợ xấu do đại dịch COVID-19 gây ra, ai sẽ chia sẻ với ngành ngân hàng?", ông Hùng nhấn mạnh.
Do vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng đồng thuận với quan điểm cho rằng, cần tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn các nội dung tại Nghị quyết 42 đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Đơn cử như với 65% tài sản đảm bảo vẫn là bất động sản, những vướng mắc trong thẩm định giá tài sản đảm bảo là khá lớn, bởi một số địa phương chỉ chấp nhận tổ chức của mình thẩm định mà không cho doanh nghiệp ở địa phương khác vào cuộc. Chưa kể Luật Đất đai chưa cho phép cá nhân hoặc nhà đầu tư nước ngoài nhận thế chấp quyền sử dụng đất, khiến việc thu hút dòng tiền, nhất là dòng tiền nước ngoài tham gia xử lý nợ sẽ bị hạn chế.
Ngoài ra, lâu nay, các ngân hàng chủ yếu đăng thông báo thanh lý, phát mãi tài sản hay đấu giá các khoản nợ trên website của mình, nên người mua sẽ phải tìm kiếm ở rất nhiều trang web khác nhau, nên không tập trung và khó giao dịch.
Để tháo gỡ, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã lên kế hoạch đưa sàn giao dịch nợ xấu vào hoạt động trong quý III/2021. Hiện có khoảng 30 thành viên đã đăng ký tham gia sàn giao dịch nợ, chủ yếu là các công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại. Tuy sàn giao dịch vẫn chỉ là một chi nhánh của VAMC, hoạt động trong thẩm quyền hạn chế, nhưng sẽ là bước khởi đầu để thúc đẩy một "chợ" mua bán nợ thực sự với quy mô rộng.