Để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Thuế Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều giải pháp như triển khai đồng bộ các chính sách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; giảm thuế, giãn thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, đảm bảo hoạt động quản lý thuế không bị đình trệ để người nộp thuế không gặp khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ thuế; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp chính sách mới về thuế của Nhà nước; kịp thời nắm bắt, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế...
Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành Thuế Vĩnh Phúc đã gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho hơn 1.000 trường hợp, trị giá hơn 1.200 tỷ đồng. Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô trị giá 5.500 tỷ đồng và giảm tiền thuê đất 5,4 tỷ đồng...
Ngành Thuế tỉnh cũng nhận định, tình hình diễn biến của dịch Covid-19 hiện vẫn còn phức tạp và chưa được kiểm soát hoàn toàn, dẫn tới ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa thể hoạt động bình thường trở lại do số lao động làm việc không ổn định vì phải tuân thủ các quy định về cách ly phòng, chống dịch.
Dự kiến trong các tháng cuối năm 2021, nhu cầu mua sắm của thị trường khó duy trì tăng trưởng do tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, dẫn tới sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Từ đó, sẽ ảnh hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của Cục Thuế tỉnh.
Trong thời gian tới, ngành Thuế tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý thuế, theo sát và đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các vướng mắc; tiến tới mục tiêu chung là khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 và phục hồi phát triển trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đẩy mạnh quản lý thuế theo rủi ro trong quản lý thuế, từ đó, hỗ trợ các doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Đồng thời, ngành Thuế sẽ quan tâm, chú trọng đến những doanh nghiệp trọng điểm, có vai trò và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho sự phát triển bền vững của địa phương. Đơn cử, đối với việc kê khai, nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt tại tỉnh Hà Nam của Công ty Honda Việt Nam có nhiều vướng mắc, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã khẩn trương vào cuộc, đã có văn bản gửi đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn về việc xác định ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp. Hiện Cục Thuế tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Tài chính để tiếp tục giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành thuế phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức đối thoại doanh nghiệp, người nộp thuế nhằm giải quyết thỏa đáng, kịp thời mọi vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, doanh nhân, người nộp thuế hiểu pháp luật thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời.
Phát huy có hiệu quả tổ chức bộ máy quản lý thuế theo chức năng, xây dựng đội ngũ cán bộ thuế chuyên môn hoá, chuyên sâu theo các chức năng quản lý thuế, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu về cải cách hành chính thuế..., đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong giai đoạn mới.