Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh
Đánh giá về kết quả kết quả về phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từ 2015 đến nay, ông Nguyễn Ngọc Phi, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Những năm qua, ngành Công Thương đã nhận được sự quan tâm tập trung lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn, ước đạt hơn 260 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm.
Mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển nhanh, đa dạng về ngành nghề bao gồm cả thương nghiệp, nhà hàng ăn uống, dịch vụ. Mạng lưới kinh doanh mở rộng xuống tận cơ sở, địa bàn khu dân cư, tạo thành mạng trung gian kinh tế, làm chức năng giao lưu, trao đổi hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Kết cấu hạ tầng thương mại được tỉnh chú trọng đầu tư và có bước phát triển rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, góp phần kích cầu sản xuất và tiêu dùng.
Trước hết, hệ thống chợ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động ổn định, tỉnh đã thu hút đầu tư mới 1 chợ đầu mối tại vị trí của 3 xã Yên Lập, Tân Tiến, Lũng Hòa (Vĩnh Tường) với nguồn vốn đầu tư gần 1.600 tỷ đồng; đã đầu tư xây mới và nâng cấp cải tạo 65 chợ dân sinh tại các xã trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 330 tỷ đồng.
Hệ thống kênh mua bán hiện đại cũng dần được hình thành và ngày càng phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 điểm kinh doanh của Điện máy Xanh, Thế giới di động và Điện máy Media Mart; 82 chợ, 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 19 cửa hàng mua sắm tự chọn tiện ích thuộc chuỗi của Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp VINCOMMERCE cùng hàng nghìn cửa hàng kinh doanh tổng hợp khác trong các khu vực dân cư. Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ cũng phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận các thôn, làng thực sự là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa trên toàn tỉnh.
Trong tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, trong đó có thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia đầu tư khai thác thế mạnh của tỉnh; các ngành, các địa phương chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân và tổ chức tham gia đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội. UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thương mại Vĩnh Phúc và Quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Các chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử; ổn định và củng cố vững chắc thị trường tại địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, bảo hộ thương hiệu.
Với việc tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động thương mại-dịch vụ không ngừng phát triển với tốc độ cao, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cũng như các hoạt động thương mại, dịch vụ trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nâng chất trong giai đoạn mới
Tuy đã có những bước phát triển đáng kể nhưng theo đánh giá lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn một số khó khăn, thách thức nhất là việc thiết lập được mối liên kết bền chặt giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh để hình thành hệ thống phân phối ổn định, giảm chi phí khâu lưu thông. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động, khai thác, sử dụng của một số chợ trên địa bàn chưa hiệu quả, chưa thu hút được hết các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025 đạt hơn 410 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10,8%/năm. Phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại cùng với duy trì, nâng cấp, mở rộng hệ thống chợ truyền thống. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh giá trị xuất khẩu hàng hóa. Đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và nâng cao chất lượng dịch vụ trong các hoạt động tài chính, tín dụng, bảo hiểm, thu thuế, dịch vụ thanh toán, thương mại, nhất là quảng bá sản phẩm...
Nguyễn Ngọc Phi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để đạt mục tiêu trên, Sở Công thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh việc hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ. Trong đó, tập trung tham mưu UBND tỉnh các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm như huy động các nguồn lực đầu tư vào các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ vui chơi giải trí, chợ đầu mối, khu ẩm thực…Bên cạnh đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác các chợ đang hoạt động phù hợp với quy hoạch, đồng thời sắp xếp lại khu vực kinh doanh các ngành nghề để phát huy tối đa công suất chợ.
Nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đồng thời, thành phố khuyến khích, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ; xây dựng mô hình quản lý chợ theo kiểu mới; phát triển các mô hình quản lý chợ văn minh thương mại nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, liên kết thị trường và xúc tiến thương mại… hướng đến từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại.
Theo Lê Sơn
"https://thuonghieucongluan.com.vn/vinh-phuc-nang-tam-phat-trien-thuong-mai-dich-vu-a115590.html"