Tới dự lễ tôn vinh có ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Bùi Huy Vĩnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành cùng đại diện 25 dòng họ khoa bảng trong tỉnh – hậu duệ của 86 vị đỗ đại khoa, các bậc danh nhân từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX.
Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc tiền thân là văn miếu Phủ Tam Đới, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV tại xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường). Sau khi thành lập (1890) đến năm 1925, Văn miếu phủ Vĩnh Tường được di dời về địa phận gò Giác Lạc ở phía Bắc xã Định Trung thuộc phạm vi tỉnh Vĩnh Phúc và có tên gọi là Văn miếu tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc).
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm với nghi thức dâng hương và tế các bậc tiên thánh tại Tòa Đại bái, Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc. Hoạt động trưng bày chuyên đề “Văn hóa dòng họ khoa bảng Vĩnh Phúc” được diễn ra tại Nhà Tả vu với hơn 200 hiện vật, tài liệu, hình ảnh tư liệu được trưng bày logic, khoa học, có nội dung sâu sắc giới thiệu những tinh hoa, đặc sắc của Nho học và nền giáo dục truyền thống Việt Nam.
Qua đó góp phần tôn vinh, tri ân những bậc hiền tài và sự lan tỏa truyền thống văn hóa, hiếu học của các dòng họ khoa bảng ở tỉnh Vĩnh Phúc.Đồng thời, giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong tỉnh hiểu biết sâu sắc về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của vùng đất “Anh hùng góp mặt, khoa bảng đề danh” - sản sinh ra nhiều bậc hiền tài, hội tụ các dòng họ “kế thế đăng khoa”, qua đó, không ngừng phấn đấu học tập, tu dưỡng, noi gương tiền nhân, xây dựng quê hương đất nước giàu có, phồn vinh.
Hoạt động trưng bày chuyên đề “Văn hóa dòng họ khoa bảng Vĩnh Phúc” mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần đón du khách tới tham quan.
Đây là một trong những hoạt động văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực chào mừng các ngày lễ trọng đại của tỉnh, của dân tộc năm 2020, đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII.
Theo Long Sơn
"https://thuonghieucongluan.com.vn/vinh-phuc-le-ton-vinh-cac-bac-tien-thanh-tien-hien-danh-nhan-khoa-bang-a114181.html"