Tlợn số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi ra gần 1,08 tỷ USD để nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng này tăng mạnh 20,3%.
Còn so với con số xuất khẩu 105 triệu USD, nước ta đang nhập siêu khoảng 970 triệu USD các loại thịt và phụ phẩm ăn được từ động vật.
Cụ thể, nước ta nhập khẩu thịt lợn, thịt trâu bò, gia cầm tươi và đông lạnh; nhập khẩu các phụ phẩm ăn được của động vật như chân gà, cổ gà, da gà, tim cật, lòng mề...
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt, phụ phẩm từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ, Nga, Brazil, Đức, Canada, Mỹ, Tây Ban Nha, Ba Lan... là nguồn cung chủ yếu các sản phẩm từ chăn nuôi cho nước ta trong 8 tháng vừa qua.
Đáng chú ý, giá các sản phẩm nhập khẩu ở mức siêu rẻ so với hàng nội địa sản xuất.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), giá lợn hơi ở các quốc gia là nguồn cung cho Việt Nam ở mức khá thấp. Chẳng hạn, tại Nga, Brazil, Canada, giá mặt hàng này chỉ ở mức 34.100-34.200 đồng/kg; tại Mỹ là 38.400 đồng/kg.... Do đó, mức giá bình quân thịt lợn nhập khẩu chỉ 52.000-55.000 đồng/kg. Còn tại Việt Nam, giá lợn hơi xuất chuồng dao động 61.000-67.000 đồng/kg; các sản phẩm thịt lợn trên thị trường có giá phổ biến 120.000-250.000 đồng/kg tùy loại.
Tương tự, các mặt hàng thịt gia cầm nhập khẩu cũng đổ bộ thị trường Việt với giá rẻ như cho.
Hiện, lượng thịt và phụ phẩm nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng thịt tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm nhập khẩu này đổ bộ thị trường với giá rẻ khiến 4 hiệp hội ngành chăn nuôi cũng phải đặt nghi vấn về chất lượng an toàn thực phẩm. Chưa kể, hàng nhập khẩu giá rẻ còn gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, những năm gần đây, Việt Nam được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt. Theo đó, dẫn đầu là Trung Quốc (48%), thứ hai là EU (20%), xếp thứ ba là Mỹ (11%), Brazil (4%), Nga (4%), Việt Nam (3%).
Về tiêu thụ thịt lợn, trong số 10 nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 6 với tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn/sản xuất là 105,4%. Sản xuất thịt lợn trong nước mới đáp ứng được 95% nhu cầu tiêu thụ thịt lợn.