Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố danh sách phân loại rủi ro quốc gia theo Quy định về Sản phẩm không gây mất rừng (EUDR), nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm tiêu thụ tại Liên minh châu Âu (EU) không góp phần vào nạn phá rừng toàn cầu.
Theo danh sách phân loại rủi ro quốc gia được công bố bởi Ủy ban châu Âu, Việt Nam được xếp vào nhóm "rủi ro thấp". Việc được xếp vào nhóm "rủi ro thấp" đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng như gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, dầu cọ và thịt bò sang EU sẽ chỉ phải chịu tỷ lệ kiểm tra 1%, thấp hơn so với mức 3% và 9% áp dụng cho các nước thuộc nhóm "rủi ro tiêu chuẩn" và "rủi ro cao".

Kết quả xếp loại EUDR là tin vui với mặt hàng cao su xuất khẩu ở Việt Nam (Ảnh minh họa, internet).
Đại diện Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, việc Việt Nam được xếp vào nhóm “rủi ro thấp” là kết quả tích cực của những nỗ lực hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua, đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại (VPA/FLEGT), cũng như các hoạt động phối hợp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, các quốc gia thuộc nhóm “rủi ro thấp” sẽ được áp dụng quy trình kiểm soát đơn giản hơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và xuất khẩu.
Cũng theo phân loại mới công bố, bốn quốc gia Belarus, Myanmar, Triều Tiên và Nga được xếp vào hạng "rủi ro cao", thúc đẩy nạn phá rừng.
Trong khu vực ASEAN, ngoài Việt Nam, một số quốc gia như Philippines, Thái Lan, Lào, Singapore và Brunei cũng được xếp loại “rủi ro thấp”.
Ngược lại, Indonesia và Malaysia (hai nước đang đàm phán thỏa thuận thương mại với EU) bị xếp vào nhóm “rủi ro tiêu chuẩn”, đồng nghĩa với việc phải tuân thủ các yêu cầu khắt khe hơn trong quy trình xuất khẩu hàng hóa chịu sự điều chỉnh của EUDR.
Quy định chống phá rừng EUDR sẽ áp dụng với doanh nghiệp lớn từ cuối năm 2025, và với doanh nghiệp nhỏ từ tháng 6/2026. Nếu không tuân thủ, doanh nghiệp có thể bị phạt tới 4% doanh thu của họ tại quốc gia xuất khẩu thành viên EU. Quy định này nhắm vào 7 mặt hàng gồm gỗ, ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, cao su và thịt bò, cùng một số sản phẩm phái sinh như da, chocolate và đồ nội thất.