Vì sao khó tuyển được lao động theo các vị trí việc làm?

09/03/2022 08:42

Các doanh nghiệp đã sử dụng nhiều hình thức khác nhau từ tự đăng thông tin tuyển dụng đến thông qua các sàn giao dịch việc làm, thuê công ty tuyển dụng hay thậm chí thưởng nóng cho nhân viên nếu giới thiệu được nhân sự mới, song nhiều doanh nghiệp vẫn khó tuyển được lao động theo các vị trí việc làm.

Anh Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng nhân sự của một doanh nghiệp tại khu Công nghiệp VSIP Bắc Ninh than thở: "Sau 02 tháng tiến hành tuyển dụng, hiện chỉ được 60% nhân sự. Mà nhân sự đó toàn công nhân là chính, còn nhân sự ở các ví trí việc làm cụ thể, doanh nghiệp mới chỉ tuyển được 01 người. Các tiêu chí vị trí này của người mới được tuyển dụng, chỉ đạt 70%". Anh Hà chốt lại một câu "xanh rờn", tuyển lao động theo vị trí khó hơn đi thi đại học". 

Thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc ở các khu công nghiệp, tỉnh thành phố tương đối cao. Tuy nhiên do các hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu phục hồi và mở rộng nên vẫn còn tình trạng thiếu hụt lao động. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong khu công nghiệp, khu chế xuất thiếu hàng ngàn lao động. Cụ thể, Bình Dương đang thiếu khoảng 90.000 lao động, Long An thiếu khoảng 51.000 lao động, Hải Phòng thiếu trên 50.000 lao động, Tây Ninh khoảng 46.000 lao động, Bắc Ninh thiếu từ 25.000 - 30.000 lao động, Hà Nội thiếu khoảng 26.000 lao động…

tuyen-1646790112.jpg
Vì sao khó tuyển được lao động theo các vị trí việc làm? Người lao động và doanh nghiệp tại phiên giao dịch việc làm

Bà Vũ Thị Thanh, Trưởng phòng Nhân sự doanh nghiệp ở Hưng Yên cho biết, doanh nghiệp đang cần tuyển 58 chỉ tiêu ở nhiều vị trí việc làm với mức thu nhập từ 6-25 triệu đồng/tháng. Để tuyển dụng lao động, doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sàn giao dịch việc làm Hà Nội, bên cạnh đó thuê một số công ty nhân sự làm công tác tuyển dụng lao động cho nhà máy sản xuất tại Hưng Yên.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng phòng kinh doanh doanh nghiệp Hàn Việt thì phản ánh, để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng nhân viên kinh doanh, mức lương từ 8-15 triệu đồng/tháng. Dù đã tuyển dụng bằng nhiều kênh, song thời điểm này số lượng ứng viên tìm đến ứng tuyển chưa nhiều.

Còn theo đại diện Công ty cổ phần Goldsun Việt Nam, hiện doanh nghiệp đang cần tuyển 200 lao động phổ thông không yêu cầu kinh nghiệm, sản xuất trong lĩnh vực cơ khí. Khi làm việc, người lao động có cơ hội nhận mức lương từ 8-12 triệu đồng/tháng. Dù thông tin tuyển dụng này đã được công ty đăng tải trên nhiều kênh khác nhau song số lượng ứng viên ứng tuyển chưa nhiều. Thậm chí, để thu hút ứng viên, doanh nghiệp còn thực hiện chính sách thưởng nóng cho những nhân viên giới thiệu được ứng viên vào làm với mức 200.000 đồng/hồ sơ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, mới chỉ có khoảng 40-50 người lao động nộp hồ sơ.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phân tích: Chính phủ và Hà Nội có chính sách phục hồi thị trường lao động và thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh nên ngay từ đầu năm thị trường lao động đang ấm dần trở lại. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tăng lên do mở rộng sản xuất và bù đắp nhân lực thiếu hụt trước đó.

Theo đó, trong quý I/2022, dự báo thị trường lao động tại Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng từ 80.000 – 100.000 chỉ tiêu. Các doanh nghiệp tuyển dụng tập trung ở một số ngành nghề như kinh doanh thương mại, dịch vụ du lịch, cơ khí, sửa chữa ô tô, tài chính – ngân hàng… Một số nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều trong thời gian qua vẫn đang tiếp tục tuyển nhiều là công nghệ thông tin, giao nhận hàng...

Ảnh TH&CL

Vì sao khó tuyển được lao động theo các vị trí việc làm? Ảnh minh họa TH&CL

Còn theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang thì, năm nay có khoảng 97 doanh nghiệp đề nghị Trung tâm phối hợp tuyển dụng gần 54.000 chỉ tiêu việc làm. Các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động có tuổi đời từ 18-40, mức lương trung bình từ 5-12 triệu đồng/tháng. Những ngành đang có nhu cầu tuyển dụng lớn như may mặc, điện tử, xây dựng…

Ở khu vực phía Nam, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương thông tin, năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 90.000 lao động.Tuy nhiên nhiều lao động về quê ăn Tết đến nay chưa trở lại làm việc do tại chính địa phương nơi cư trú cũng có khu công nghiệp, thêm vào đó chi phí sinh hoạt lại rẻ hơn ở Bình Dương.

Bà Loan lấy ví dụ, nếu thu nhập của công nhân tại Bình Dương khoảng 7 triệu đồng/tháng sẽ phải chi tiền thuê nhà, tiền lo cho con cái học hành, giá cả sinh hoạt cao. Trong khi đó, nếu ở quê, người lao động chỉ cần thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng đã có thể đảm bảo cuộc sống, lại không phải xa gia đình.

Để thu hút người lao động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho rằng cần hướng đến xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân lao động thuê, mua, tạo sự yên tâm, gắn bó cho công nhân lao động địa phương khác đến Bình Dương làm việc.

Bà Lê Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An cũng cùng quan điểm cho rằng, giá cả sinh hoạt tăng cao, lương tối thiểu vùng lại chưa đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh đi làm xa, do đó nhiều địa phương hiện nay đang khó tuyển dụng lao động.

Năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An có nhu cầu tuyển khoảng 51.000 lao động, những ngày đầu tháng Ba, các doanh nghiệp đã phối hợp với các đoàn thể các huyện để tuyển nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

C.H