Theo báo cáo gần đây của BSC, kết thúc năm 2021, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đã lội ngược dòng trong hai quý cuối năm, ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
Doanh thu của VHC năm 2021 đạt 9.054 tỷ, tăng 28,7% so với năm 2020, nhờ hai nhóm sản phẩm chính đều tăng mạnh trở lại. Cụ thể, doanh thu cá tra đạt 5.961 tỷ, tăng 23% và doanh thu phụ phẩm đạt 1.697 tỷ, tăng 39% so với cũng kỳ. Sản phẩm Collagen/Gelatin thì ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp so với quá khứ khi việc bán hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 và cước phí vận tải.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là điểm sáng trong cả năm 2021 khi đã tăng 55% so với cùng kỳ trong khi các thị trường còn lại chưa phục hồi mạnh sau thời gian dịch bệnh. Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất với Vĩnh Hoàn, chiếm 42% doanh thu. Tỷ trọng của Trung Quốc và Châu Âu lần lượt là 15% và 13%.
Nguồn: BSC Research
Lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đạt 1.110 tỷ, tăng 57,5% do biên lợi nhuận gộp tăng mạnh lên mức 19.4% so với mức biên 14.2% của năm 2020. BSC cho rằng biên lợi nhuận gộp tăng do giá xuất khẩu các thị trường tăng khả quan (giá xuất khẩu trung bình năm 2021 của Việt Nam sang Mỹ và Trung Quốc tăng 19% so với cùng kỳ).
Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh chủ yếu do chi phí vận chuyển, lưu kho tăng mạnh, cước tàu tăng cao.
Trong năm 2022, BSC kỳ vọng xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục khả quan trong khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp ngành cá tra tăng trưởng mạnh sau thời gian dài khó khăn. Là doanh nghiệp đầu ngành cá tra, VHC sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng cả sản lượng và giá bán….
Kim ngạch xuất khẩu cá tra quý 4 sang thị trường Mỹ và Trung Quốc lần lượt đạt 121 triệu USD, tăng 51% và 89 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ. Thị trường Mỹ tiếp tục tăng trưởng khả quan còn thị trường Trung Quốc cho thấy dấu hiệu phục hồi đầu tiên sau thời gian dài suy giảm do chính sách thắt chặt biên. Trong khi đó, giá bán trung bình tại hai thị trường Mỹ và Trung Quốc tiếp tục neo ở mức cao, đạt lần lượt là 3.75 USD/kg, tăng 46% và 2.23 USD/kg, tăng 33% so với năm ngoái. Mức tồn kho cá tra vẫn đang ở mức thấp trong 2 năm trở lại đây.
Nguồn: BSC Research
Mức tồn kho thấp kỳ vọng làm tăng giá bán khi nhu cầu tiêu thụ ngày khả quan trong khi nguồn cung chưa thể điều chỉnh kịp thời.
Nguồn: BSC Research
Theo BSC, giá cước phí tàu và giá nguyên liệu đầu vào vẫn là những rủi ro chính đối với hoạt động của VHC. Trong năm 2022, BSC kỳ vọng cước phí tàu không tăng đột biến dựa trên kỳ vọng hoạt động sản xuất của thế giới dần quay trở lại mức bình thường, làm giảm chênh lệch cung cầu, mức giá nền năm 2021 cao và VHC sẽ tăng tỷ trọng đơn hàng FOB (không chịu chi phí vận tải) để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ cước phí cao.