Ngân hàng UOB (Singapore) vừa phát hành Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2025 cập nhật các dự báo vĩ mô trước thông tin thuế quan.
Báo cáo cho biết, sau một năm 2024 đầy tích cực và báo cáo GDP quý I/2025 tương đối khả quan, mọi sự chú ý hiện đã chuyển sang mức thuế đối ứng lên tới 46% do Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ, khiến mức thuế trung bình của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong gần một thế kỷ.
Theo UOB, dù Việt Nam đang nỗ lực đàm phán với phía Mỹ, kết quả vẫn còn rất nhiều bất định. Một phái đoàn do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu đã sang Mỹ để tiến hành các cuộc đàm phán.
Trước đó, UOB kỳ vọng Mỹ sẽ áp mức thuế khoảng 10% đối với phần lớn các quốc gia vào “Ngày Giải phóng”, điều này vẫn còn trong ngưỡng có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, thực tế cho thấy 10% chỉ là mức thuế cơ bản phổ quát, và các mức thuế đối ứng bổ sung sẽ được áp dụng trên quy mô toàn cầu.
Trong khi đó, Việt Nam đặc biệt dễ tổn thương trước các biện pháp hạn chế thương mại và cần chuẩn bị tâm thế ứng phó với tác động lan rộng của các mức thuế mới, do tính chất mở của nền kinh tế: xuất khẩu chiếm tới 90% GDP của Việt Nam – cao thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore (174%), đồng thời có mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 30% trong tổng kim ngạch 402 tỷ USD năm 2024, tiếp theo là Trung Quốc (15%) và Hàn Quốc (6%).
Các mặt hàng chính xuất sang Mỹ trong năm 2024 gồm: sản phẩm điện tử mã HS85 (41,7 tỷ USD), điện thoại và linh kiện mã HS84 (28,8 tỷ USD), đồ nội thất mã HS94 (13,2 tỷ USD), giày dép mã HS64 (8,8 tỷ USD), hàng may mặc dệt kim mã HS61 (8,2 tỷ USD), và hàng may mặc không dệt kim mã HS62 (6,6 tỷ USD). Các mặt hàng này chiếm gần 80% tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam trong năm 2024.
“Với mức thuế đối ứng cao chưa từng có, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với rủi ro thực sự về sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, khi người tiêu dùng Mỹ phản ứng với giá cả tăng bằng cách hủy hoặc trì hoãn đơn hàng, hoặc thậm chí chuyển sang lựa chọn hàng nội địa khi chênh lệch giá thu hẹp”, UOB lo ngại.

UOB dự báo kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 trong bối cảnh mới. Ảnh: Internet
Trong kịch bản hiện tại, UOB giả định xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm 20% trong năm 2025 (sau khi đã tăng 20% trong năm 2024). Đồng thời, nếu xuất khẩu sang các thị trường khác giữ nguyên, không tăng trưởng so với mức 283 tỷ USD của năm 2024, thì tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm khoảng 6% trong năm 2025, trái ngược với mức tăng 13% của năm 2024. Với các giả định này, đồng thời tính đến tác động lan tỏa lên sản xuất và dòng vốn FDI, mô hình dự báo của UOB cho thấy GDP Việt Nam sẽ giảm 1 điểm phần trăm so với dự báo cơ sở ban đầu.
“Trước những rủi ro suy giảm đáng kể, chúng tôi điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 xuống còn 6,0%, giảm 1 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó là 7,0%, và thấp hơn so với mức tăng trưởng thực tế 7,09% trong năm 2024. Chúng tôi hiện dự báo tăng trưởng GDP quý 2 và quý 3 năm 2025 lần lượt ở mức 6,1% và 5,8%. Trong bối cảnh này, FDI giải ngân và FDI đăng ký có thể sẽ giảm về mức khoảng 20 tỷ USD trong năm nay”, UOB dự báo.
Theo chuyên gia UOB, tuy đây mới chỉ là những đánh giá sơ bộ, nhưng các rủi ro hiện nghiêng mạnh về chiều hướng tiêu cực, do mức thuế đối ứng của Mỹ là chưa từng có tiền lệ.
"Trước đó, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 trong khoảng 6,5% - 7,0%, trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mức tăng trưởng “ít nhất 8%”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các dự báo chính thức này có thể cần được xem xét lại, trừ khi mức thuế đối ứng được giảm xuống khoảng 20% hoặc thấp hơn, so với mức 46% hiện tại", UOB nêu rõ.
Theo Báo cáo, với lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản đều duy trì dưới ngưỡng mục tiêu 4,5% trong quý I và phần lớn năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, biến động trên thị trường tỷ giá lại trở thành một yếu tố đáng lo ngại, đặc biệt sau khi thuế “Giải phóng” của Mỹ gây ra làn sóng bất ổn mới trên thị trường.
Trong thời điểm hiện tại, UOB kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4,50%. Tuy nhiên, xu hướng rủi ro đang nghiêng về khả năng giảm lãi suất, do áp lực suy giảm từ hoạt động kinh doanh và xuất khẩu, trong bối cảnh mức thuế 46% từ Mỹ có thể gây cú sốc mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.
Nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi rõ rệt trong 1-2 quý tới, các chuyên gia nhận thấy khả năng NHNN có thể hạ lãi suất chính sách về mức thấp trong thời kỳ COVID-19 là 4,00%, sau đó tiếp tục giảm thêm 50 điểm cơ bản về mức 3,50%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất như kỳ vọng.
Ở thời điểm hiện tại, kịch bản cơ sở của Ngân hàng UOB đưa ra vẫn là NHNN giữ nguyên chính sách lãi suất.