Từ tháng 7 âm lịch, trên các tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 5), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Đồng, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp (quận 9)… nhiều ki ốt bán bánh trung thu đã được dựng lên. Các ki ốt hình ảnh, màu sắc bắt mắt và được dựng ngay cạnh các trung tâm thương mại, siêu thị, công viên, khu vực bùng binh nơi đông người qua lại. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên những ki ốt bán hàng này đều trong cảnh ảm đạm, đìu hiu, vắng vẻ khách.
Có mặt tại điểm bán bánh trung thu trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) gần 1 giờ đồng hồ nhưng cũng không có ai đến mua bánh. Chị Nguyễn Thị Mỹ - nhân viên bán bánh tại đây than phiền, “Bánh bán ra rất chậm mặc dù Tết Trung thu chỉ còn 2 tuần nữa. Năm nay lượng khách đến tham quan hỏi giá cũng ít đi hẳn. Thời điểm này mọi năm, cửa hàng đã bán được hơn nửa lượng bánh nhập về. Hiện tại, chỉ có lác đác người dân đến mua lẻ, còn các cơ quan, doanh nghiệp chưa thấy đặt hàng”.
Tương tự, tại điểm bán bánh trung thu trên đường Lê Văn Việt (quận 9), anh Đỗ Nhân Toàn, quản lý chuỗi ba cửa hàng bánh trung thu, rầu rĩ: "So với mọi năm, thị trường bánh trung thu năm nay khá ế ẩm. Bằng giờ này năm ngoái, cửa hàng tôi đã bán được 50-60% lượng bánh nhập về. Năm nay, dù đã bán được 2 tuần nhưng sức tiêu thụ chỉ đạt 10-20%. Tôi đang hy vọng sức mua sẽ tăng trong tuần tới". Theo anh Toàn, nguyên nhân khiến thị trường bánh trung thu ảm đạm là do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên người dân cũng tiết kiệm chi tiêu hơn.
Tại một ki ốt khác nhãn hiệu bánh trung thu Kinh Đô, tình hình buôn bán cũng không mấy khả quan hơn. “Tình hình chung của các quầy bánh trung thu năm nay buôn bán ảm đạm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Lượng khách cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp đặt mua bánh năm nay giảm so với năm ngoái, số lượng bánh đặt mua cũng giảm; dự báo sức mua cận kề Tết Trung thu cũng không khá mấy” –một nhân viên quầy bánh Trung thu Kinh Đô cho biết thêm.
Theo chủ các quầy bánh trung thu, nguyên nhân khiến thị trường bánh trung thu ảm đạm là do tác động của dịch Covid - 19, kinh tế khó khăn người dân cũng tiết kiệm chi tiêu hơn, khiến sức mua giảm sút. Trong bối cảnh còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, xu hướng mua bánh trung thu của người tiêu dùng cũng thay đổi. Hiện khách chủ yếu chỉ mua bánh lẻ về để trưng hoặc ăn.
Theo khảo sát, giá các loại bánh trung thu năm nay tăng nhẹ, từ 5-10%. Giá các loại bánh nướng truyền thống, bánh dẻo, bánh chay... dao động từ 40.000 – 600.000 đồng/cái; giá các loại bánh mặn có đủ nhân dao động từ 56.000 - 550.00 đồng/cái. Đặc biệt, năm nay thị trường cũng xuất hiện nhiều loại bánh trung thu với các loại nhân cao cấp có giá dao động từ 2 triệu đồng đến gần 5 triệu đồng/hộp. Những hộp bánh này có thiết kế vỏ hộp bằng chất liệu sơn mài, bên trong kèm các hộp trà cho khách thưởng thức kèm với bánh.
Theo các cửa hàng bán bánh Trung thu, sở dĩ giá bánh Trung thu tăng nhẹ là do nguyên vật liệu năm nay có nhiều biến động, giá thịt lợn tăng gấp 2-3 lần, một số nguyên vật liệu nhập ngoại rất khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để kích cầu tiêu dùng, các cơ sở sản xuất bánh trung thu cũng đưa ra nhiều dòng sản phẩm mới như: Kinh Đô có dòng bánh trăng vàng thượng hạng Black & Gold - là dòng bánh sáng tạo mới nhất của Mondelez Kinh Đô. Bánh trung thu Kingdom, sản phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido…
Bên cạnh các loại bánh trung thu truyền thống và mới lạ do các doanh nghiệp sản xuất, năm nay trên thị trường còn xuất hiện loại bánh trung thu được tạo hình các nhân vật hoạt hình mà các bạn nhỏ yêu thích như: Gấu Pooh, Pikachu, gấu thỏ Cony-Brown, Minion... Loại bánh này khá nhỏ, chỉ 30-80g/chiếc, có giá dao động từ 15.000-50.000 đồng/chiếc.
Năm nay, ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhu cầu tiêu dùng được dự báo giảm hơn mọi năm. Do vậy, rất cần siết chặt công tác quản lý, nhằm sớm ngăn ngừa nguy cơ hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng cạnh tranh không lành mạnh và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Nguyễn Tùng
"https://thuonghieucongluan.com.vn/tp-hcm-thi-truong-banh-trung-thu-roi-vao-trang-thai-am-dam-a114182.html"