Sở GTVT TP HCM vừa có tờ trình UBND thành phố để trình HĐND đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố và dự thảo nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Thời gian áp dụng dự kiến bắt đầu từ 1/1/2024.
Những trường hợp phải trả phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, hè phố gồm: Điểm tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, diễu hành, lễ hội - bao gồm điểm giữ xe phục vụ hoạt động này. Điểm trông giữ xe có thu tiền; điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa.
Ngoài ra, diện phải trả phí gồm các điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình...
Mức thu phí chênh lệch dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, các tuyến đường trung tâm hay ngoại thành. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.
Cá nhân, tổ chức sử dụng lòng đường, vỉa hè dưới 15 ngày sẽ bị tính phí nửa tháng. Từ 15-30 ngày, tính phí một tháng. Sở GTVT TP HCM chịu trách nhiệm thu phí những tuyến đường do cơ quan này quản lý. Các đường thuộc quản lý của quận, huyện sẽ do địa phương thực hiện.
TP HCM có 1.238 tuyến đường với bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên và 929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên. Theo tính toán của thành phố, việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể đem lại nguồn thu ngân sách khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, số tiền thu đối với lòng đường là 550 tỷ đồng/năm, số thu đối với vỉa hè là 972 tỷ đồng/năm.
Việc thu phí sử dụng tạm vỉa hè được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm ưu tiên tối thiểu 1,5m cho người đi bộ và hai làn ôtô trên một chiều đối với lòng đường. Các hoạt động trên vỉa hè, lòng đường phải đảm bảo an toàn và phù hợp công năng, kết cấu chịu lực của các tuyến đường.
Số tiền thu được sẽ dùng để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.