Toàn cảnh dịch bệnh COVID 19 thế giới ngày 31/3: Trung Quốc khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn rất cao

31/03/2020 15:59

Trung Quốc đang lo ngại có thể tiếp tục xảy ra làn sóng nhiễm covid 19 lần thứ 2; Thủ tướng Ấn Độ yêu cầu đất nước 1,3 tỷ dân đóng cửa đến ngày 15/4 để chặn dịch COVID-19...

Đến 6h ngày 31/3, Số trường hợp mắc COVID 19 ở Việt Nam là 204, trông đó đã có 55 trường hợp bình phục, tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ là 11.528; số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly là 3.215.

Theo tin từ báo Asahi ngày 30-3, Nhật sẽ tăng cường một số biện pháp ngăn đà lây lan COVID-19. Một trong các biện pháp đó là sẽ cấm người nước ngoài đến từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và phần lớn nước châu Âu nhập cảnh.

Indonesia tới tối 30-3 có 1.414 ca nhiễm với 122 người chết. Số người chết ở Indonesia chiếm gần một nửa số người chết ở Đông Nam Á (250), trong khi số ca nhiễm chưa tới 1/5.

Vũ Hán, nơi đầu tiên bùng phát dịch COVID-19, đang mở cửa trở lại một cách thận trọng sau 2 tháng phong tỏa. Nhưng thành phố này cũng cảnh giác trước mối đe dọa mới: dịch tràn ngược về từ bên ngoài.

Cho đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận tổng số 693 ca bệnh COVID-19 từ nước ngoài, cho thấy “khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn rất cao”, Mi Feng, phát ngôn viên Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho biết.

Chính phủ Ấn Độ hôm qua cho biết họ không có kế hoạch kéo dài phong tỏa hơn 21 ngày vì nước này đang chật vật với công việc cung cấp đồ thiết yếu và ngăn hàng chục ngàn lao động nhập cư trở về quê sau khi đột nhiên rơi vào cảnh bơ vơ.

Thủ tướng Narendra Modi yêu cầu đất nước 1,3 tỷ dân đóng cửa đến ngày 15/4 để chặn dịch COVID-19, nhưng biện pháp này đã đẩy hàng triệu người nghèo vào cảnh mất việc và đói ăn. 

Trong ngày 30/03, dịch Covid-19 tại Anh tiếp tục đà tăng khi có thêm 180 bệnh nhân thiệt mạng, nâng số ca tử vong từ đầu dịch lên 1.408 ca trên tổng số 22.141 ca nhiễm bệnh.

Trong tuần trước, chính phủ Anh cũng đã đặt hàng hãng Dyson gấp rút sản xuất 10.000 máy thở. Như vậy, với 8.000 máy thở hiện có trong hệ thống các bệnh viện tại Anh và 8 ngàn máy mới mua từ nước ngoài, nước Anh sẽ có tổng cộng 41.000 máy thở trong vòng 2 tháng tới.

Chỉ có 1 số ít quốc gia còn lại không ghi nhận bất kỳ các ca nhiễm SARS-CoV-2 nào 
và các nước này chủ yếu nằm ở châu Phi

 

Chính phủ Anh tự tin, các đơn hàng này sẽ giúp hệ thống y tế Anh đứng vững trước đại dịch Covid-19 vì theo tính toán, nước Anh có thể cần đến 30.000 máy thở trong giai đoạn dịch Covid-19 khốc liệt nhất, dự đoán sẽ đến trong 3-4 tuần nữa.

Hai quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19 tại châu Âu là Italy và Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận các cột mốc mới khi Italy có số ca mắc bệnh vượt quá 100.000 còn Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc trở thành vùng dịch lớn thứ 3 thế giới.

Trong ngày 30/3, Italy ghi nhận thêm 4.050 ca mắc mới Covid-19, đưa tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên con số 101.739 ca từ khi dịch bùng phát. Với mức tăng này, Italy trở thành nước thứ hai trên thế giới vượt qua cột mốc 100.000 ca, sau Mỹ.

Số bệnh nhân thiệt mạng trong ngày tại Tây Ban Nha cũng vẫn ở mức rất cao là 812 bệnh nhân thiệt mạng, nâng tổng số nạn nhân vì Covid-19 tại nước này lên con số 7.340 người.

Ngày 30/3, nước Pháp ghi nhận thêm 418 ca tử vong liên quan dịch Covid-19, con số cao nhất kể từ đầu mùa dịch, đưa tổng số người tử vong vì Covid-19 lên 3024 người. Gần 21.000 người đang phải nhập viện, trong đó hơn 5.100 ca bệnh nặng. 34% bệnh nhân đang được cấp cứu là người dưới 60 tuổi. Tính đến ngày 30/3, gần 8.000 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh.

Nước Pháp hiện đang tiến hành thử nghiệm nhiều phương pháp điều trị virus Sars-CoV-2, trong đó loại thuốc chứa hoạt chất hydroxychloroquine (thường chữa  bệnh sốt rét) và công thức kết hợp 2 loại thuốc chữa HIV là lopinavir và ritonavir đã được chính thức đưa vào sử dụng trong các bệnh viện. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này vẫn cần hết sức cẩn trọng.

Theo ghi nhận của trang Newsweek, chỉ có 1 số ít quốc gia còn lại không ghi nhận bất kỳ các ca nhiễm SARS-CoV-2 nào và các nước này chủ yếu nằm ở châu Phi hoặc là những quốc đảo tách biệt ở Thái Bình Dương, tuy nhiên, vẫn có những quốc gia không có ca mắc Covid-19 ở gần những tâm điểm bùng phát dịch bệnh, chẳng hạn như Triều Tiên.

Theo Trang Nguyễn

"https://thuonghieucongluan.com.vn/toan-canh-dich-benh-covid-19-the-gioi-ngay-31-3-trung-quoc-kha-nang-xay-ra-lan-song-lay-nhiem-thu-hai-van-rat-cao-a92074.html"