Vốn vay tập trung vào khách hàng cá nhân
Theo ghi nhận, bước sang quý II, tăng trưởng tín dụng vẫn khả quan ở các ngân hàng. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đến ngày 30/4/2021 ước tính là 2.610.000 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước và tăng khoảng 3,01% so với cuối năm 2020. Có thể thấy rằng, dịch bệnh Covid-19 quay trở lại nhưng cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu vốn trên thị trường.
Được biết, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Cụ thể: Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, ngoại trừ Vietcombank được tăng trưởng tín dụng 10,5%, các ngân hàng còn lại có hạn mức 6 - 7,5%.
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành quý I/2021 đạt mức 2,93% so với đầu năm. Nhóm ngân hàng tư nhân như MSB, MB, Techcombank dẫn đầu về tăng trưởng cho vay khách hàng trong quý I, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh (ngoại trừ Vietcombank) có tăng trưởng tín dụng thấp hơn 2% theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Agriseco.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, đến ngày 20/5 ngân hàng đã hoàn thành 53% kế hoạch tín dụng cả năm và nếu được NHNN giao chỉ tiêu 14% vẫn có thể thực hiện.
Tính đến thời điểm hiện tại, đối tượng khách hàng cá nhân đã đóng góp 70% vào mức độ tăng trưởng tín của Vietcombank. Bên cạnh đó, về khách hàng tổ chức, Vietcombank tập trung triển khai vào lĩnh vực ưu tiên, phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như: năng lượng tái tạo; dệt may, da giày để phục vụ xuất khẩu, thương mại xăng dầu phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Trái lại với mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng thì Agribank nằm trong diện tăng trưởng tín dụng chậm. Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, trong 4 tháng đầu năm nay, tín dụng của Agribank tăng trưởng 1% (cùng kỳ năm 2020 giảm), huy động vốn tăng 1,7%.
Khó khăn mà Agribank gặp phải là tình trạng kẹt vốn dù đã được ngân sách cấp 3.500 tỷ đồng để tăng vốn từ nguồn lợi nhuận nộp ngân sách, song cũng chỉ mới đạt trên 34.000 tỷ đồng - quá nhỏ so với tổng tài sản trên 1.570 nghìn tỷ đồng.
Tín dụng vẫn tăng trưởng ổn định trong quý II
Nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng nhờ việc tiêm vắc xin đang triển khai rộng rãi đến toàn dân, nên nhiều chuyên gia nhận định tín dụng vẫn duy trì được "phong độ" và tiếp tục tăng trưởng trong quý II.
Một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của tín dụng phải kể đến như: nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao, dòng vốn đầu tư FDI, quy mô xuất nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công - những đồng vốn có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2021.
Ngoài những yếu tố trên thì việc Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời triển khai tiêm vắc xin trên cả nước cũng là nhân tố quan trọng và thiết yếu. Điều này nhằm tạo sự yên tâm, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân cũng như của các doanh nghiệp ngày càng có niềm tin và phát triển để phục hồi sau dịch bệnh.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhìn nhận, tín dụng ngân hàng cả năm nay tăng khoảng 10-15% là mức phù hợp. Mặc dù nền kinh tế đã phục hồi hơn trước nhưng vẫn còn rất nhiều những rủi ro khác đang chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới. Có thể thấy tín dụng tuy khởi sắc, nhưng việc tăng trưởng vẫn còn thấp. Cùng với đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận có nguy cơ giảm.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, để tăng trưởng tín dụng một cách hiệu quả và hợp lý cần đẩy mạnh kích cầu hơn nữa, bởi hiện nay nhu cầu vốn đã tăng, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở những lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không... tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chính vì thế, các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng để vẫn đảm bảo được chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng lẫn chất lượng tài sản.