Tìm động lực tăng trưởng mới: Cần cân nhắc ba hướng hành động

13/08/2020 17:45

WB cho rằng, thách thức lớn của Việt Nam là phải mau chóng tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Để làm được điều đó, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần cân nhắc ba hướng hành động.

Kinh tế Việt Nam, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, vẫn chịu đựng tốt
 và sẽ phục hồi (Ảnh minh họa)

 

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), thời điểm trước năm 2020, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam dựa vào cả nhu cầu của nước ngoài và tiêu dùng trong nước. Hai động lực trên đóng góp đến trên 75% tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2016-2019 trên cơ sở tăng trưởng cao về xuất khẩu và tiêu dùng tư nhân.  Trong thời gian tới, hai động lực trên khó có thể ngay lập tức quay lại các mức trước khủng hoảng. Nhu cầu của nước ngoài vẫn còn yếu vì nhiều quốc gia trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khiến cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và hoạt động du lịch sẽ chững lại.

Thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia – sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng, vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong nước và bên ngoài.

WB cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần cân nhắc ba hướng hành động.

Một là, phải tiếp tục từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Chỉ số chặt chẽ (đo lường mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp trên) đã được hạ xuống ở Việt Nam khiến cho các chuyến bay nội địa tăng vọt trong thời gian gần đây. Thách thức tiếp theo là từng bước mở cửa quốc gia để đón khách quốc tế, đồng thời tìm ra giải pháp tốt nhất cho nhu cầu kinh tế và y tế.

Mở cửa biên giới sẽ giúp đẩy mạnh ngành du lịch, hiện đóng góp đến gần 10% GDP của Việt Nam, cho phép khách DN nhập cảnh khi quốc gia đặt mục tiêu thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính phủ có thể cân nhắc chủ động thỏa thuận với các quốc gia “an toàn” để thống nhất về cơ chế đi lại chung và/ hoặc cân nhắc kế hoạch cho phép và thu hút khách du lịch cao cấp có thể chi trả cho các chuyến bay thuê bao/thương mại đắt tiền và toàn bộ chi phí liên quan đến kiểm dịch và/hoặc biện pháp y tế dự phòng sau khi nhập cảnh Việt Nam.

Hướng hành động thứ hai là tập trung vào chính sách tài khóa, là công cụ truyền thống để kích thích khôi phục kinh tế trong thời gian tới. Đối với Việt Nam, chính sách đó không nhất thiết có nghĩa là phải chi nhiều hơn mà nên đẩy nhanh tốc độ triển khai ngân sách đầu tư đã phê duyệt. Để minh họa, nếu Chính phủ có khả năng nâng cao tốc độ triển khai ngân sách được phê duyệt cho năm 2020 từ 65 lên 75%, tỷ lệ đầu tư công trên GDP sẽ tăng thêm 1,5 điểm phần trăm GDP, qua đó trực tiếp bơm khoảng 4 tỷ USD vào nền kinh tế trong nước.

Các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh phân bổ ngân sách đầu tư cho các bộ ngành và địa phương, hiện đang trong tình trạng chậm trễ. Việc này có thể thực hiện qua xác định chỉ tiêu và yêu cầu các cấp lãnh đạo phải có trách nhiệm giải trình; nhanh chóng rà soát tất cả các danh mục ở các cấp để tìm ra các dự án giải ngân nhanh, sau đó tạo động lực để các dự án đó được giải ngân nhiều hơn; và quan tâm đầy đủ đến các dự án hạ tầng lớn bằng cách xử lý giải phóng mặt bằng/tái định cư và đấu thầu, bao gồm cả ứng vốn để chuẩn bị đấu thầu và các kế hoạch đảm bảo.

 Công tác giải ngân vốn ODA vốn đã bị chậm trễ kéo dài trong những năm gần đây, cần được quan tâm đặc biệt. Quan trọng không kém là phải khuyến khích đẩy mạnh các chương trình hạ tầng công cộng được phân cấp cho địa phương, không chỉ để kích cầu ở địa phương mà còn nhằm tạo việc làm cho các nhóm dễ bị tổn thương ở các lĩnh vực và địa bàn mục tiêu.

Hướng hành động thứ ba là hỗ trợ khu vực tư nhân phục hồi, nhưng các cấp có thẩm quyền nên thực hiện theo cách có lựa chọn chứ không nên dùng nguồn lực để hỗ trợ cho mọi DN. Bởi, không phải DN nào cũng bị khủng hoảng COVID-19 gây ảnh hưởng như nhau. Một số ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn tại khu vực nông thôn. Nhiều DN có khả năng phục hồi tương đối nhanh ngay sau khi Chính phủ gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đi lại trong nước vào cuối tháng 4.

Điều này đặc biệt đúng với các DN nhỏ ở khu vực phi chính thức có khả năng linh hoạt để tái mở cửa và đáp ứng được nhu cầu trong nước tăng lên; doanh số bán lẻ tăng đến 10% vào tháng 5 và tháng 6. Các DN khác, chủ yếu là DN lớn ở khu vực chính thức, được hưởng lợi từ vốn vay linh hoạt của ngân hàng và các biện pháp giãn thuế được triển khai trong gói hỗ trợ tài khóa được ban hành đầu tháng 4.

Chính vì vậy, Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn về đối tượng hỗ trợ tài chính, nếu không rủi ro sẽ là lãng phí nguồn lực công khan hiếm và gửi tín hiệu sai cho thị trường. Sau khi xác định được những DN phải đối mặt với khó khăn kéo dài do khủng hoảng Covid-19 gây ra, Chính phủ cần cân nhắc giúp những đối tượng dự kiến có thể tiếp tục tồn tại và phục hồi nhanh chóng.

Để hỗ trợ khu vực tư nhân, Chính phủ cũng cần khuyến khích quá trình tái phân bổ nguồn lực từ các DN dự kiến khó có thể phục hồi nhanh chóng sang các hoạt động đem lại lợi nhuận cao hơn. Tương tự, các nền tảng số an toàn cần được khuyến khích phát triển để lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa được phát triển, các cửa hàng có thể mở ra kinh doanh trực tuyến. Về kinh tế đối ngoại, Chính phủ có thể giúp các DN mong muốn chuyển sang hoạt động ở các thị trường dự kiến sẽ mở cửa nhanh hơn, tạo ra cơ hội và sự cộng hưởng.

Việt Nam cũng có thể tận dụng được một số xu hướng toàn cầu, đang được đẩy nhanh bởi Covid-19, nhằm thúc đẩy nghị trình trong nước. Chẳng hạn, trong hệ thống thương mại toàn cầu mới, Việt Nam có thể củng cố dấu ấn hiện nay của mình bằng cách gây dựng liên minh chiến lược với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực xúc tiến thu hút các DN đang có kế hoạch đang dạng hóa chuỗi cung ứng. Tương tự, Covid-19 cũng đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế "không tiếp xúc” thông qua đẩy mạnh thanh toán công nghệ số, giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, chia sẻ dữ liệu số hóa và qua đó giúp đáng ứng nhu cầu đang tăng nhanh về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu trong nước.

Thoát khỏi bẫy kinh tế của Covid-19 là ưu tiên của Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia trong những tháng tới. Những chính sách được hoạch định không chỉ giúp nền kinh tế thích nghi với thực trạng mới mà còn có thể truyền lửa cho chính phủ các nước khác trong thời gian tới khi họ phải nỗ lực xác định xem trạng thái bình thường mới sẽ ra sao trong thế giới hậu đại dịch.

Theo Trần Nguyên

"https://thuonghieucongluan.com.vn/tim-dong-luc-tang-truong-moi-can-can-nhac-ba-huong-hanh-dong-a110428.html"