Tiêu thụ điện đang tiến tới mốc kỷ lục 1 tỷ kWh/ngày

05/04/2024 08:51

Ngày 2/4, tiêu thụ điện cả nước vượt qua mốc 900 triệu kWh/ngày, ngày 3/4 là 917 triệu kWh. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) dự báo nhu cầu tiêu thụ điện cả nước có thể đạt mức 1 tỷ kWh/ngày trong tháng 6 do thời tiết cực đoan.

Tại Hội nghị khách hàng của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) diễn ra sáng 4/4, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) đã cho hay, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, năm 2024, hiện tượng EL Nino sẽ kéo dài hết tháng 6 và có khả năng sang tận tháng 7, sau đó mới tới chu kỳ của La Nina (mưa và bão lũ).

Tuy nhiên, La Nina chỉ diễn ra ở miền Trung và miền Nam, còn riêng với miền Bắc vẫn phải đối phó với nắng nóng hết tháng 7.

Tiêu thụ điện đang tiến tới mốc kỷ lục 1 tỷ kWh/ngày- Ảnh 1.

Tiêu thụ điện tăng trưởng mạnh từ đầu năm tới nay. Ảnh: Internet

Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng đến sớm, kéo dài và nền kinh tế đã khôi phục trở lại sau Covid, tiêu thụ điện trong quý I/2024 đã có mức tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, tiêu thụ điện tính trung bình là 762 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên sang tháng 4, mức tiêu thụ điện đã có sự tăng mạnh cùng với các đợt nắng nóng bắt đầu diễn ra tại miền Bắc.

Cụ thể, ngày 1/4, tiêu thụ điện của cả nước đã đạt 880,9 triệu kWh, tăng lên 905,4 triệu kWh vào ngày 2/4 và tới ngày 3/4 đã đạt 917 triệu kWh.

Trước đó năm 2023, tiêu thụ điện cao nhất của cả nước đã đạt từng đạt 940 triệu kWh/ngày.

Đáng lưu ý, với xu hướng này, AO cho rằng đây là mức tăng trưởng lớn và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng 4, 5 và 6. Với xu hướng này, A0 cũng dự báo nhu cầu tiêu thụ điện cả nước có thể đạt mức 1 tỷ kWh/ngày trong tháng 6 và là cột mốc lịch sử mới.

Với riêng miền Bắc, tiêu thụ điện trung bình ngày cũng không còn là 343 triệu kWh/ngày như trong 3 tháng đầu năm 2024 mà đã lên đạt mức 416 triệu kWh/ngày vào ngày 3/4.

Nghĩa là tăng trưởng tiêu thụ điện của trung bình ngày những ngày đầu tháng 4 này đã đạt tới 21% so với trung bình 3 tháng đầu năm 2024.

Đáng lưu ý, trong ngày 3/4, khi sản lượng điện tiêu thụ tăng, ngành phải huy động tất cả các nguồn điện trên hệ thống. Trong đó, nguồn nhiệt điện dầu đến 11,3 triệu kWh trong ngày; tuabin khí (gas + dầu DO) 76,3 triệu kWh; nhập khẩu điện 11,4 triệu kWh... Trong khi giá thành sản xuất điện dầu không rẻ, xấp xỉ 5.000 đồng/kWh, nhưng giá bán điện bình quân chỉ 2.000 đồng/kWh.

Dự báo từ tháng 4 - 7, sản lượng dùng điện sẽ có thể tăng cao nhất tới 17%. Các mức tăng trưởng cao về nhu cầu tiêu thụ điện được xem là sức ép nặng nề với ngành điện. Để đối phó với các thách thức này, hệ thống điện quốc gia đã áp dụng hàng loạt giải pháp trong vận hành.

Đáng chú ý là giữ mức nước cao của các hồ thuỷ điện, nhất là hồ thuỷ điện ở khu vực miền Bắc. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chỉ đạo vận hành tối đa các nhà máy nhiệt điện, nhất là các nhà máy ở miền Bắc. Như vậy, hiện các nhà máy nhiệt điện than đã được đưa vào vận hành hết, dù chưa phải là cao điểm nắng nóng nhất tại miền Bắc.

Bên cạnh đó việc truyền tải cao từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc đã được thực hiện và sẽ tiếp tục duy trì suốt mùa khô. Cùng với đó là đẩy mạnh tối đa việc nhập khẩu điện để cấp cho miền Bắc.

Để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện trong các tháng mùa khô và thời tiết nắng nóng kéo dài, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố về điện do nhu cầu sử dụng điện tăng cao - nhất là ở miền Bắc, EVN mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ và tích cực phối hợp của người dân, các cơ quan công sở, doanh nghiệp sản xuất trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm vào các giờ cao điểm trưa (từ 12h00 đến 15h00), cao điểm tối (từ 21h00 đến 23h00).

Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26 -27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Huyền My (t/h)