Theo đó, các loại phí được Bộ Tài chính đề xuất miễn hoặc giảm là phí dịch vụ chứng khoán cho nhà đầu tư; giảm 30% thuế môi trường với xăng dầu hàng không; giảm 50% phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng...
Bộ Tài chính cũng đề xuất gia hạn chính sách hỗ trợ miễn phí, lệ phí đối với một số đối tượng thêm sáu tháng, kéo dài đến hết 30/6/2021.
Cụ thể, miễn thuế môn bài đối với nhiều đối tượng như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, miễn lệ phí năm đầu đối với DN, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới. Ước tính ngân sách giảm khoảng 1.000 tỉ đồng khi giảm số phí, lệ phí trên.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021. Theo đó, mỗi lít nhiên liệu bay được đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường là 2.100 đồng thay vì mức 3.000 đồng.
Bộ Tài chính nhận định rằng kinh tế thế giới trong năm sau tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Kinh tế trong nước vẫn đối mặt với những rủi ro. Nhiều lĩnh vực kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành hàng không.
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, đánh giá đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra là hợp tình, hợp lý vì tình hình kinh tế trong năm 2021 dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Tháo gỡ khó khăn cho các DN hàng không, kích cầu du lịch là cần thiết. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cần sự đồng đều vì nền kinh tế phát triển cần sự đóng góp của nhiều ngành.
“Tôi cho rằng chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí nên kéo dài đến hết năm 2021. Quan trọng nhất là thủ tục hỗ trợ phải đơn giản, nhanh chóng nhất. Chứ nhiều chính sách đưa ra nhưng rất ít người dân, nhà kinh doanh tiếp cận được, hoặc họ thấy thủ tục rườm rà không muốn xin hỗ trợ”, TS Hiển nhận định.
Theo Nguyễn Tùng
"https://thuonghieucongluan.com.vn/tiep-tuc-giam-phi-le-phi-ho-tro-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-a120143.html"