Tại diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ 2024 với chủ đề “Đổi mới hướng tới phát triển bền vững”, PGS, TS. Đào Thanh Trường, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, gần 30 năm qua, thương mại, hợp tác và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, bền vững.
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, trung bình 16% mỗi năm. Trao đổi thương mại đã tăng 300 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 124 tỷ USD vào cuối năm 2022.
10 tháng năm 2024 thương mại 2 chiều tiếp đà phục hồi mạnh mẽ, đạt 110,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 98,4 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ, nhập khẩu từ Hoa Kỳ 12,27 tỷ USD, tăng 8,2%.
Về đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại, luỹ kế các dự án còn hiệu lực, có đến hơn 1.400 dự án của nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam, với tổng số vốn lên đến gần 12 tỷ USD. Môi trường đầu tư tại Việt Nam được các nhà đầu tư lớn đánh giá hấp dẫn và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt với các lĩnh vực như: năng lượng, điện tử bán dẫn...
Riêng trong 10 tháng đầu năm nay, có 92 dự án được cấp mới bởi nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam với tổng số vốn lên đến gần 139 triệu USD, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ và năng lượng.
Với những con số trên, Hoa Kỳ hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 của Việt Nam.
Các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ như: Boeing, SpaceX, Coca-Cola, Pacifico Energy... đang ngày càng tăng cường sự hiện diện và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khẳng định niềm tin vào tiềm năng của môi trường đầu tư Việt Nam.
Ngược lại, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, như FPT và VinFast, cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Hoa Kỳ, tạo ra những lợi ích kinh tế đan xen chặt chẽ giữa hai nước.
Bà Bùi Thị Việt Lâm - Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tại Việt Nam cho biết, trong những năm vừa qua, Việt Nam nỗ lực tăng tốc mạnh mẽ trong quá trình xây dựng các luật mới, cải thiện cải cách các luật lệ, quy định tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và cân bằng, công bằng.
Vì vậy, cần nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI vào Việt Nam về chất lượng lao động, bao gồm năng suất và trình độ của nhân sự để đón sóng đầu tư của các nhà đầu tư lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, điện tử bán dẫn. Ngoài ra, môi trường đầu tư hướng tới phát triển bền vững cũng là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.