Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về hoạt động thương mại số tại Việt Nam tại trụ sở Bộ Công Thương.
Tham dự buổi lễ, về phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, đơn vị đầu mối của Bộ Công Thương và lãnh đạo một số Cục, Vụ như: Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Vụ Pháp chế…
Về phía USAID Việt Nam có sự tham dự của bà Aler Grubbs, Giám đốc quốc gia USAID Việt Nam, các cán bộ USAID tại Việt Nam và đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam.
Biên bản ghi nhớ về hoạt động thương mại số tại Việt Nam được xây dựng và triển khai nhằm góp phần củng cố hệ sinh thái thương mại số của Việt Nam đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp hai nước, đồng thời nâng cao năng lực trong công tác xây dựng khung chính sách và pháp luật về thương mại số, đáp ứng nhu cầu phát triển về thương mại số tại Việt Nam tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động thương mại số thông qua các nền tảng, công cụ phát triển thương mại số, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Giám đốc quốc gia USAID tại Việt Nam Aler Grubbs cho biết: “Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Việt Nam tăng cường tính cạnh tranh trong nền kinh tế số toàn cầu. Chúng tôi vui mừng ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương, hoạt động hợp tác này là hoạt động đầu tiên được triển khai trong khuôn khổ quan hệ đối tác mới được nâng tầm giữa hai nước và có ý nghĩa quan trọng góp phần khai mở tiềm năng của thương mại số để trở thành một động lực chính cho sự tăng trưởng liên tục của đất nước.”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định thúc đẩy hoạt động thương mại số là biện pháp cụ thể thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Đồng thời, việc thực hiện chuyển đổi số và số hóa hoạt động thương mại sẽ tiếp tục mở rộng không gian tăng trưởng mới, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại xuyên biên giới và giúp Việt Nam tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu trong thời gian tới.
Việc phát triển thương mại số cũng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của Việt Nam bởi chuyển đổi số sẽ góp phần tiêu tốn ít tài nguyên hơn và tạo thuận lợi hơn cho tất các doanh nghiệp, người dân đều có thể tiếp cận được mọi nguồn lực phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Biên bản ghi nhớ ký kết giữa hai Bên, Bộ Công Thương và USAID cùng hợp tác, nhưng không giới hạn trong việc hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại; thúc đẩy đối thoại công tư nhằm tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia và đóng góp vào quá trình xây dựng khung khổ chính sách và pháp luật về thương mại số; và tăng cường áp dụng các nền tảng thương mại số, bao gồm hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, Hoạt động này dự kiến hỗ trợ Bộ Công Thương giới thiệu các chiến lược và hệ thống tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, truy suất nguồn gốc, kết nối thị trường... nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan thuộc Bộ; hỗ trợ sự phát triển toàn diện của doanh nghiệp phù hợp với các mục tiêu phát trển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hoạt động Thương mại số tại Việt Nam của USAID thúc đẩy Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) mà Việt Nam và Hoa Kỳ cùng nhau hợp tác để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và theo đuổi những quy tắc mang tính chuẩn mực cao của nền kinh tế số, nhằm thúc đầy tăng trưởng liên tục. Hoạt động này được xây dựng dựa trên mối quan hệ hợp tác thành công của USAID với Việt Nam trong hai thập kỷ qua nhằm thúc đẩy thương mại và cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước.