Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài.
Theo Quyết định, Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó thường trực, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó.
Theo Quyết định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai ngay các nhiệm vụ của Tổ công tác. Nhóm giúp việc của Tổ công tác được đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và do Tổ phó điều hành.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để hài hòa giữ mục tiêu thu hút đầu tư chất lượng cao mà vẫn đảm bảo các yếu tố bền vững về môi trường và phát triển bền vững, Cục Đầu tư nước ngoài đề xuất, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc; lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo; công nghiệp, chế biến, chế tạo, có tính lan tỏa và có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Đặc biệt, Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh sẽ không chấp thuận, tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, sử dụng lãng phí tài nguyên, không thân thiện với môi trường.
Không đổi mới sẽ khó thành công
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do COVID-19 gây ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: "Nếu Việt Nam không đầu tư phát triển, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không bao giờ thành công. Chúng ta chống dịch COVID-19 bước đầu thành công nhưng phải lo phát triển đất nước thì mới đạt thắng lợi kép".
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định: "Cứ bình bình, theo cách làm cũ, trì trệ và không đổi mới thì khó thành công. Vì vậy, cần có tư duy "mới" để đón đầu và đón bắt được dòng đầu tư mới này".
Tăng niềm tin của các nhà đầu tư
Sau hơn 30 năm mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ. Đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, thu ngân sách cũng như thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam…
Đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 370 tỷ USD; trong đó lượng vốn đã giải ngân đạt khoảng 58%. Riêng năm 2019 vừa qua, Việt Nam thu hút hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm liên tiếp, tăng 7,2% so với năm 2018. Vốn FDI giải ngân cũng đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% và lập kỷ lục mới.
PV
"https://thuonghieucongluan.com.vn/thuc-day-dau-tu-nuoc-ngoai-trong-thoi-ky-moi-a104162.html"