Trên thực tế, thu nhập của giáo viên lâu năm trong năm 2022 không hề giảm khi so với trước đây - trước khi áp dụng việc chuyển xếp lương theo chùm bốn Thông tư 01, 02, 03 và 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (trước ngày 20/3/2021), với một số nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, trong năm 2022 tới đây, giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên. Quy định về phụ cấp thâm niên này chỉ đặt ra với giáo viên là viên chức làm việc, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập.
Khoản 1, khoản 3 Điều 4 Nghị định 77/2021/NĐ-CP nêu rõ, giáo viên giảng dạy có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 05 năm (60 tháng) tại các trường công lập được hưởng phụ cấp thâm niên bằng:
Phụ cấp thâm niên của giáo viên = Hệ số lương hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng x Mức lương cơ sở x Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng |
Trong đó, chỉ giáo viên đã có thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng hệ số phụ cấp thâm niên là 5%. Sau đó, từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Đây là loại phụ cấp được trả hàng tháng. Đặc biệt, khoản 2 Điều 6 Nghị định này nhấn mạnh:
Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 1/7/2020 cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo quy định của Chính phủ. |
Như vậy, nhà giáo làm việc lâu năm trong các trường công được hưởng phụ cấp thâm niên từ ngày 1/7/2020 cho đến khi có chính sách tiền lương mới (khi cải cách tiền lương). Ngoài ra, việc cải cách tiền lương trong năm 2022 sẽ được lùi đến thời điểm thích hợp.
Thứ hai, khi chuyển xếp lương mới theo chùm bốn Thông tư, hệ số lương của giáo viên cao hơn so thời điểm còn áp dụng Thông tư liên tịch số 20, 21, 22 và 23, cụ thể:
- Giáo viên mầm non: Hạng I áp dụng hệ số lương mới từ 4,0 - 6,38 thay cho hệ số lương cũ từ 2,34 - 4,98 trước đây; Hạng II áp dụng hệ số lương mới từ 2,34 - 4,98 thay cho hệ số lương cũ từ 2,1 - 4,89; hạng III áp dụng hệ số lương mới từ 2,1 - 4,89 thay cho hệ số lương cũ từ 1,86 - 4,06.
- Giáo viên tiểu học: Hạng I áp dụng hệ số lương mới từ 4,4 - 6,78 thay cho hệ số lương cũ từ 2,34 - 4,98 trước đây; Hạng II áp dụng hệ số lương mới từ 4,0 - 6,38 thay cho hệ số lương cũ từ 2,1 - 4,89; hạng III áp dụng hệ số lương mới từ 2,34 - 4,98 thay cho hệ số lương cũ từ 1,86 - 4,06.
- Giáo viên cấp hai: Hạng I áp dụng hệ số lương mới từ 4,4 - 6,78 thay cho hệ số lương cũ từ 4,0 - 6,38 trước đây; Hạng II áp dụng hệ số lương mới từ 4,0 - 6,38 thay cho hệ số lương cũ từ 2,34 - 4,98; hạng III áp dụng hệ số lương mới từ 2,34 - 4,98 thay cho hệ số lương cũ từ 2,1 - 4,89.
- Giáo viên cấp ba: Giữ nguyên hệ số lương như trước ngày 20/3/2021.
Mặc dù sự chuyển xếp hệ số còn tùy vào nhiều điều kiện, nhưng nhìn theo mặt bằng chung, hệ số lương của giáo viên các cấp đều có sự thay đổi theo chiều hướng tăng hơn hoặc bằng so với hệ số lương trước đó.
Thứ ba, khi dạy học lâu năm, ngoài phụ cấp thâm niên, giáo viên còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp khác, có phụ cấp tính theo mức lương cơ sở và hệ số lương; có phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng.
Với phụ cấp tính theo lương cơ sở, khi giáo viên dạy lâu năm, hệ số phụ cấp cũng sẽ cao hơn giáo viên mới vào nghề. Đồng thời, nếu phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng thì giáo viên lâu năm cũng đang có mức lương cao hơn so với các giáo viên có "ít thâm niên" hơn.
Nhìn chung, do lùi cải cách tiền lương nên hiện giáo viên vẫn đang hưởng cách xếp lương theo chùm bốn Thông tư 01, 02, 03 và 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các khoản phụ cấp khác như phụ cấp thâm niên; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp độc hại nguy hiểm…
Như vậy, giáo viên lâu năm trong năm 2022 không bị giảm thu nhập mà còn có thể vẫn tăng do cải cách tiền lương đã bị lùi.