Người dân đưa ra nhiều kiến nghị
Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp An Phát 1 do Công ty CP KCN kỹ thuật cao An Phát là nhà đầu tư dự án có tổng số vốn lên đến gần 2000 tỷ trên diện tích 180 ha tại 3 xã Quốc Tuấn, An Bình, An Lâm của huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương).
Trong đó xã An Bình hơn 126 ha; xã Quốc Tuấn hơn 40 ha và xã An Lâm hơn 12 ha. Để phục vụ dự án, có đến 1.855 hộ dân thuộc 3 xã trên trong diện bị thu hồi đất. Cụ thể, xã An Bình 1.356 hộ, xã Quốc Tuấn 373 hộ, xã An Lâm 126 hộ.
Hiện nay dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. UBND huyện Nam Sách đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và tập trung tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng, lập phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất, đồng thời ban hành thông báo thu hồi đất thực hiện dự án đối với các xã Quốc Tuấn, An Bình và An Lâm.
Nhiều người dân dù đồng thuận với chủ trương của Nhà nước về thực hiện dự án trên nhưng cũng đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất tại các buổi làm việc với Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Nam Sách. Chủ yếu tập trung vào các kiến nghị về giá hỗ trợ đền bù còn thấp; Nhà nước cần hỗ trợ, đền bù cả 3,8% số diện tích đất trước đây người dân đã góp để làm đường nội đồng, công trình thủy lợi phục vụ dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Việc hỗ trợ người dân cần bảo đảm đúng chế độ, chính sách, có phương án chăm lo cuộc sống cho người dân sau khi thu hồi đất…
Trao đổi với PV, Thương hiệu và Công luận, các hộ dân xã Quốc Tuấn bày tỏ ý kiến đề nghị tỉnh, huyện xem xét nâng mức giá đền bù và tính diện tích bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất cho nhân dân, nâng mức giá đền bù cho nhân dân, tính khẩu để hỗ trợ gạo, đề nghị sau khi thỏa thuận xong sẽ chi trả tiền đền bù 1 lần…
Tương tự, một số người dân ở 2 thôn An Đông và An Đoài (xã An Bình) đã nêu những khó khăn vướng mắc để Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện xem xét giải quyết liên quan đến các nội dung như giá bồi thường và diện tích tính bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất; vấn đề bồi thường khi di chuyển các phần mộ trí của người dân; việc giải quyết nơi đặt bãi rác tập trung đảm bảo môi trường…
Ông Phạm Hữu Lương ở thôn An Đông (xã An Bình) cho biết, người dân cơ bản đồng thuận việc thu hồi đất nhưng huyện cần xem xét chi trả tiền cho bà con đã bỏ công sức, tiền của để chỉnh trang đồng ruộng, làm đường bê tông, kênh mương nội đồng.
Ông Lượng cũng yêu cầu cần quản lý chặt chẽ nguồn xả thải của các doanh nghiệp khi đi vào hoạt động, không để xảy ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Khi các doanh nghiệp vào hoạt động cần quan tâm tạo việc làm cho người dân địa phương.
Kiến nghị của người dân có cơ sở
Trao đổi với PV, Thương hiệu và Công luận, ông Nguyễn Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn cho biết, trên địa bàn xã có khoảng hơn gần 400 hộ thuộc diện thu hồi đất phục vụ dự án.
Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn cho biết, theo phương án thu hồi đất, người dân được đền bù khoảng 108 triệu đồng/360m2. Ngoài ra người dân được hỗ trợ tiền gạo.
Tuy nhiên theo ông Quý, đa số người dân không đồng thuận. Năm 2015, khi xã làm nông thôn mới đã vận động bà con dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Khi đó bà con gom ruộng lại để làm con đường to lên để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Người dân đã bỏ đất để làm đường, bỏ tiền để đắp đường đào máng. Diện tích đất ấy cứ 100m2, người dân bỏ ra 3,8 m2, mỗi sào, người dân bỏ ra 12m2. Tuy nhiên, trong phương án GPMB, Ban giải phóng mặt bằng không đền bù diện tích này cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn cho rằng, việc giải phóng mặt bằng cơ bản gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, phía Công ty CP KCN kỹ thuật cao An Phát yêu cầu chừa lại một phần diện tích đất tại ven Quốc lộ 37 không thu hồi khiến người dân không đồng thuận. Bởi khi thực hiện dự án,diện tích không được thu hồi đó người dân không thể sản xuất nông nghiệp được nữa.
Trao đổi với PV, ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết, cơ bản người dân đều đồng thuận với phương án giải phóng mặt bằng dự án. Huyện cũng ghi nhận những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân.
“Đối với việc người dân đề nghị diện tích đất góp để làm đường nội đồng, huyện đang đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ. Đối với diện tích ven Quốc lộ 37, huyện cũng đề nghị tỉnh cho phép Công ty CP KCN kỹ thuật cao An Phát ứng tiền thu hồi sau giao cho huyện với xã quản lý, không để người dân bị ảnh hưởng”, ông Lê Quang Thụ cho biết.
Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho hay, đây là dự án phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc áp dụng đơn giá đền bù đã được thẩm định và theo quy định của Nhà nước, không có sự áp đặt cho người dân. Đồng thời, mong muốn các hộ dân hãy ủng hộ và chấp hành tốt chính sách giải phóng mặt bằng, bàn giao đất và tạo điều kiện cho dự án được triển khai theo đúng tiến độ.
Gần 2000 hộ dân 3 xã trong diện bị thu hồi đất mong muốn những kiến nghị của họ được chính quyền lắng nghe nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương người dân đồng tình nhưng người dân mong muốn không ai bị bỏ lại phía sau khi nhường đất để phục vụ dự án trên.