Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) ký ngày 8/3/2018 tại Santiago (Chile) và được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 72/2018/QH14. Hiệp định đã có hiệu lực đối với các nước Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Peru.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 ban hành biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2022-2027, và áp dụng đối với các nước gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Peru.
Bộ Công thương cho biết, 3 nước: Malaysia, Chile và Brunei cũng đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Malaysia vào tháng 11/2022, với Chile vào tháng 2/2023 và Brunei vào tháng 7/2023.
Chính vì vậy, ngày 7/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ ban hành biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2022-2027.
Cụ thể, Nghị định số 68/2023/NĐ-CP bổ sung thêm Malaysia, Chile và Brunei được áp dụng thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2022- 2027. Nghị định số 68/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 7/9/2023).
Như vậy thuế xuất nhập khẩu ưu đãi theo tinh thần Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình đã có hiệu lực đối với 10 nước là Australia; Canada; Nhật Bản; Mexico; New Zealand; Singapore, Peru, Malaysia, Chile và Brunei. Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 8/10 thành viên CPTPP đều tăng trưởng tích cực, có thị trường tăng tới hơn 160% như Brunei.
Trong năm ngoái, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thuộc CPTPP đạt trên 104 tỷ USD, tăng hơn 14% so với năm trước đó.