Thanh Hóa: Hiệu quả chính sách hỗ trợ vay vốn chương trình giảm tổn thất trong nông nghiệp

16/11/2020 23:36

Quyết định 68/2013/QĐ-TTg (QĐ 68) ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp ra đời đã đáp ứng nguyện vọng của người nông dân cũng như các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại tỉnh Thanh Hóa, chính sách trên đã được các ngân hàng và người dân tích cực triển khai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Theo đó, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thực hiện cho vay theo QĐ 68, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo cán bộ tín dụng hướng dẫn, tạo điều kiện về thủ tục để người dân được tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của chương trình.

Mức cho vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị được quy định theo danh mục chủng loại máy, thiết bị sản xuất trong nước, nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố bằng 100% giá trị hàng hóa. Đối với các khoản vay thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp, mức cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự án.

Tính đến cuối tháng 10 năm 2020, tổng dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định 68 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 96 tỷ 689 triệu đồng, với 469 hộ dân được vay vốn. Trong đó, có 466 khách hàng cá nhân, với dư nợ 92 tỷ 737 triệu đồng; 2 khách hàng HTX, với dư nợ 330 triệu đồng; 1 khách hàng doanh nghiệp, với dư nợ 3 tỷ 622 triệu đồng.

Từ nguồn vốn vay, các hộ dân đã mua hàng trăm máy gặt đập, máy cày, máy làm đất, thiết bị tưới tiết kiệm nước, sản xuất giống... góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch.

Thời gian qua, huyện Yên Định đã khuyến khích các hộ dân đầu tư thiết bị máy móc đẩy mạnh cơ giới hóa 100% từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, giảm thiểu chi phí sản xuất và tổn thất sau thu hoạch; thúc đẩy nhanh việc ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và bền vững. Việc gieo sạ bằng công cụ hàng rộng - hàng hẹp tại huyện đã tăng dần qua các năm, đến nay đã đạt hơn 70% diện tích. Huyện đã hình thành, duy trì sản xuất gần 100 cánh đồng lớn, với tổng diện tích hơn 3.000 ha; các mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp như Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Nam Dương, Công ty CP Giống Thái Bình... đều mang lại thu nhập cao, bền vững cho người nông dân.

Đóng góp vào kết quả trên, có vai trò của nguồn vốn ưu đãi từ chương trình hỗ trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Yên Định đã kịp thời hỗ trợ động viên người dân mạnh dạn đầu tư máy móc để cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Tính đến hết tháng 10/2020, dư nợ chương trình còn 72 khách hàng, với số tiền 8 tỷ 964 triệu đồng và 100% khách hàng đều là các cá nhân, hộ gia đình. Số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng là 1 tỷ 344 triệu đồng. Nhờ nhận được nguồn vốn kịp thời và được hưởng lãi suất ưu đãi, nên các hộ dân đều phát huy được hiệu quả làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp như làm đất, thu hoạch lúa, tạo thêm việc làm và nguồn thu phát triển kinh tế gia đình.

Theo Hoài Thu

"https://thuonghieucongluan.com.vn/thanh-hoa-hieu-qua-chinh-sach-ho-tro-vay-von-chuong-trinh-giam-ton-that-trong-nong-nghiep-a119322.html"