Đến hết tháng 3/2021, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt trên 88.700 tỷ đồng, tăng 0,79% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay đối với các ngành kinh tế ước đạt 41.500 tỷ đồng với trên 3.000 doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 19.000 tỷ đồng với hơn 2.700 doanh nghiệp còn dư nợ.
Để có kết quả trên, ngay trong những tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vay, nâng hạn mức vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng vay; triển khai kết nối, tạo cầu nối giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; mở rộng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa cho khách hành khi giao dịch với ngân hàng.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng khốn đốn. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, các chính sách về tín dụng có vai trò rất quan trọng giúp doanh nghiệp có thể tái cấu trúc, đầu tư đổi mới hạ tầng, công nghệ, từng bước mở rộng quy mô hoạt động, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng nền kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn đang phải vay vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ với lãi suất cao mà không thể tiếp cận vốn vay với mức rất thấp chỉ 5 - 6%/năm. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp đã không còn tài sản thế chấp cũng như chưa đưa ra được các phương án kinh doanh khả thi để đáp ứng điều kiện cho vay của ngân hàng.
Được biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh, để hỗ trợ khách hàng, nhất là các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đầu tháng 3/3021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản yêu cầu ngân hàng nhà nước các tỉnh, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động xây dựng phương án, bảo đảm cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống, đồng thời, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác điều hành theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Cùng với nâng cao chất lượng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”... Phấn đấu tăng trưởng huy động vốn từ 12 - 15%; tăng trưởng tín dụng từ 12 - 14%; kiểm soát nợ xấu ở mức thấp, dưới 2% tổng dư nợ.
PV
"https://thuonghieucongluan.com.vn/tap-trung-von-cho-vay-cac-linh-vuc-uu-tien-de-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-a130482.html"