Sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính: Khắc phục những bất cập để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa

11/06/2020 15:26

Nhằm đảm bảo tính răn đe, tăng cường hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm hành chính, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính: Khắc phục những bất cập 
để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa

 

Theo báo cáo của Bộ Tư Pháp, sau 6 năm triển khai thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC), bên cạnh những kết quả đạt được, Luật XLVPHC đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách được xác định trong một số văn kiện của Đảng; bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về XLVPHC và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật XLVPHC, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định như: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, trừ các trường hợp sau: Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thuỷ sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; in; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp; hóa đơn; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm.

Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, khai sai nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế; Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Chính phủ quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không có yêu cầu giải trình trong thời hạn quy định.

Đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn không quá 5 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền có thể gia hạn thêm không quá 5 ngày theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tự mình hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản.

Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

PV

"https://thuonghieucongluan.com.vn/sua-doi-bo-sung-luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-khac-phuc-nhung-bat-cap-de-nang-cao-hieu-qua-dau-tranh-phong-ngua-a102232.html"