Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, định hướng những tháng cuối năm 2020 tổ chức chiều 5/6, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN cho biết, tính đến ngày 29/5/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.
Tín dụng cuối tháng 5 chỉ tăng 1,96%
Theo số liệu của NHNN, đến ngày 29/5/2020, tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng năm nay thấp hơn nhiều (5 tháng đầu năm 2019 tăng 5,74%), và còn cách rất xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%.
Nguyên nhân được Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ ra là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn nên vẫn chưa có nhu cầu vay vốn mới, dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với thời điểm trước khi dịch bùng phát.
“Hiện tại, dù Việt Nam đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh nhưng diễn biến trên thế giới vẫn rất phức tạp. Trong khi đó, độ mở nền kinh tế của Việt Nam là rất lớn nên khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, doanh nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo đó, có thể nói, trong thời gian tới, chúng ta vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, bà Hồng nói.
Trả lời câu hỏi liệu năm nay, NHNN có điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hay không, Phó Thống đốc NHNN cho biết, chỉ tiêu tín dụng 14% được cơ quan này xây dựng trên cơ sở đánh giá các điều kiện kinh tế cuối năm 2019, khi chưa có dịch bệnh.
Tuy nhiên, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ là một chỉ tiêu trung gian, là chỉ tiêu định hướng. Đến thời điểm này, NHNN nhận thấy tăng trưởng tín dụng rất thấp do tác động của dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn đang giải quyết những khoản nợ đến hạn chưa trả được, xin giãn hoãn, chưa có nhu cầu vay mới.
Do vậy, một số TCTD tăng trưởng tín dụng rất thấp, thậm chí âm, một số đề xuất điều chỉnh. "Chúng tôi đã giao các Vụ liên quan xem xét, phân tích, để nếu cần thiết sẽ điều chỉnh. NHNN sẽ tiếp tục định hướng trọng tâm nguồn vốn vào lĩnh vực kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên”, Phó Thống đốc NHNN cho hay.
Nợ xấu gia tăng
Trong khi đó, liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng tín dụng, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN cho biết, trong thời gian qua, các TCTD đã áp dụng rất nhiều biện pháp kiểm soát nợ xấu. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống được kiểm soát dưới 2%.
“Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch Covid-19, việc phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh cũng có nhiều hạn chế”, ông Phi thông tin.
Theo đó, mặc dù nợ xấu nội bảng dưới 2%, nhưng nếu tính cả nợ xấu tiềm ẩn do tác động của Covid-19 từ tháng 3 - 5 thì đang có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, ông Phi khẳng định nợ xấu vẫn nằm trong kiểm soát.
“Các TCTD thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tiết giảm chi phí, tập trung nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp và xử lý nợ xấu, trước mắt trong giai đoạn hiện nay sẽ không được chia cổ tức bằng tiền”, ông Phi nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cũng cho biết, việc tăng vốn điều lệ một số ngân hàng thương mại nhà nước đang tiến tới thủ tục cuối cùng nhằm tăng cường sức mạnh tài chính.
Về việc NHNN có tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới hay không, đại diện NHNN khẳng định cơ quan này sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành dựa trên bối cảnh kinh tế chung, đặc biệt là lạm phát.
“Nếu có điều kiện giảm thì NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Hiện nay, so với mức giảm của các ngân hàng trung ương trên thế giới thì mức giảm lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam đã khá sâu”, lãnh đạo NHNN cho biết.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, bám sát diễn biến dịch Covid-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/se-xem-xet-nang-chi-tieu-tin-dung-cho-mot-so-ngan-hang/20200608123113298"