Sản phẩm cạnh tranh cao từ sản xuất sạch

25/02/2020 16:19

Phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn GAP, bảo vệ môi trường gắn với việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là cơ sở bảo đảm cho nông sản Gia Lai đủ sức cạnh tranh ở các thị trường khó tính.

Trong chuyến công tác tại Gia Lai cuối năm 2019, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững thì phải đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Vì thế, ngành nông nghiệp Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề về tổ chức sản xuất phù hợp với quy mô và đặc thù của từng địa phương, đáp ứng xu thế của nền kinh tế thị trường và hội nhập; đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn GAP cũng như ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có khả năng cạnh tranh cao.

Liên kết theo chuỗi giá trị

Để đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng cao, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hướng đi này không những bảo đảm cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau mà còn góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra và bảo vệ môi trường.

Sầu riêng là cây chủ lực được HTX đẩy mạnh để mở rộng diện tích

Ông Phạm Đức Diệt, thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) khá thấm thía với bài học đắt giá từ việc phát triển ồ ạt cây hồ tiêu không theo quy hoạch, không gắn với chuỗi liên kết. Vì thế, khi bắt tay chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng sầu riêng theo định hướng sản xuất sạch, góp phần bảo vệ môi trường, ông quyết định tham gia HTX.

Gia đình ông đã chuyển toàn bộ 1,7 ha hồ tiêu bị chết sang trồng 160 cây sầu riêng. Năm đầu tiên, gia đình ông thu được hơn 10 tấn quả, bán với giá 70.000 -75.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, thu lãi hơn 500 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả cao và bền vững từ mô hình mới, nhiều thành viên đã xin tham gia HTX để liên kết sản xuất theo quy trình hữu cơ với các loại cây ăn quả như: sầu riêng, mít Thái, na dai. Trong đó, sầu riêng là cây chủ lực được HTX đẩy mạnh mở rộng diện tích.

Cũng giống như HTX Đại Ngàn, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế của cây cà phê, 350 hộ dân ở xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) tham gia 3 tổ liên kết sản xuất cà phê theo quy trình 4C với công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Công ty TNHH MTV Phi Long Gia Lai trên diện tích gần 400 ha. Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cà phê, các công ty cũng cam kết thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 200-300 đồng/kg cà phê nhân.

Nâng cao sức cạnh tranh

Tham gia tổ liên kết, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất bảo vệ môi trường, được chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất. Ngoài ra, các hộ còn được mua phân bón rẻ hơn thị trường do tổ liên kết ký kết hợp đồng mua tại công ty mà không qua các đại lý.

Diện tích cà phê theo quy trình 4C của Tổ liên kết thôn Ia Ring

Anh Trần Minh Vương (thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm) sở hữu gần 3 ha cà phê sản xuất theo quy trình 4C cho biết: “Tôi được hướng dẫn tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để bảo vệ môi trường, ghi chép nhật ký nông hộ để theo dõi quá trình chăm sóc…". Nhờ vậy, dù đã hơn 20 năm tuổi nhưng năng suất vườn cà phê của anh luôn đạt trên 5 tấn nhân/ha, cao hơn 20-30% so với trước.

Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 13.000/97.000 ha cà phê được các công ty liên kết với nông dân sản xuất theo quy trình 4C và hữu cơ, góp phần hình thành các thương hiệu cà phê chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức được hàng trăm chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Tiêu biểu như chuỗi liên kết phát triển cây dược liệu cho một số hộ dân trên địa bàn xã Ia Hlốp của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh; tổ liên kết trồng dâu nuôi tằm ở xã Al Bá; chuỗi liên kết sản xuất cà phê theo quy trình 4C kết hợp chế biến ướt của HTX Cà phê Tân Nông Nguyên…

Bên cạnh tập trung phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để bảo đảm cho nông sản Gia Lai đủ sức cạnh tranh ở các thị trường khó tính, nhất là các cây trồng chủ lực, thế mạnh của địa phương.

Theo DNVN

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/san-pham-canh-tranh-cao-tu-san-xuat-sach/20200224052231534"

Bạn đang đọc bài viết "Sản phẩm cạnh tranh cao từ sản xuất sạch" tại chuyên mục KINH TẾ.