Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), đến hết tháng 3/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu, số vốn FDI tăng thêm và đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. 3 tháng đầu năm 2025, có 401 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, tăng 44,8% so với cùng kỳ, với tổng số đầu tư bổ sung đạt gần 5,16 tỷ USD, cao gấp 5,1 lần cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản cũng sôi động với 810 giao dịch; tăng 11,6% và đạt tổng giá trị gần 1,49 tỷ USD; tăng tới 83,7% so với quý I/2024.
Vốn FDI đăng ký cấp mới có 850 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD; tăng 11,5% về số dự án và giảm 31,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,62 tỷ USD, chiếm 60,5% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh Bất động sản đạt 1,13 tỷ USD, chiếm 26,1%; các ngành còn lại đạt 581,5 triệu USD; chiếm 13,4%.
Về tình hình giải ngân, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân quý đầu năm đạt khoảng 4,96 tỷ USD; tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Về lĩnh vực đầu tư, 3 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,79 tỷ USD; chiếm gần 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; tăng 26% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,39 tỷ USD; chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; tăng 44,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ; bán buôn, bán lẻ, với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 591 triệu USD và hơn 272 triệu USD.
Hãng dịch vụ tư vấn bất động sản Avison Young cho biết dòng vốn FDI mạnh mẽ cho thấy sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Avison Young, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh như nguồn nhân lực trẻ và dồi dào, chi phí lao động thấp, cùng vị trí địa lý chiến lược trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giúp nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Savills Việt Nam – đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản cũng cho rằng quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư. Theo Savills, nhu cầu vượt cung hiện nay xuất hiện ở hầu hết các phân khúc như bất động sản công nghiệp, logistics, nhà ở, văn phòng và bán lẻ. Điều này khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm thị trường mới với tiềm năng sinh lời cao.
Trước lo ngại dòng vốn ngoại vào bất động sản có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, các chuyên gia cho biết một số phân khúc có thể bị tác động trong ngắn hạn như hạ tầng khu công nghiệp, thương mại dịch vụ và nhà ở. Cùng với đó, các kênh đầu tư ngách như căn hộ dịch vụ, lưu trú du lịch cũng có thể chịu tác động khi nhóm chuyên gia, lao động thu nhập cao từ doanh nghiệp ngoại giảm nhu cầu thuê-mua.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Avison Young cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về mức độ ảnh hưởng của chính sách thuế mới đến thị trường bất động sản Việt Nam. Dù có thể gặp biến động ngắn hạn, Việt Nam vẫn duy trì lợi thế và tiềm năng với các nhà đầu tư FDI. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có chiến lược ngoại giao khéo léo, đa dạng hóa đối tác thương mại và có thị trường tiêu dùng hấp dẫn, giúp thu hút các khoản đầu tư lớn từ nhiều quốc gia.