Quảng Ninh: Triển khai nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

02/04/2020 18:17

Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tính theo thời gian thực tế mà người lao động bị mất việc nhưng tối đa không quá 3 tháng, kể từ tháng 4/2020.

Kỳ họp thứ 16, hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, thông qua tại Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh quy định trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6/2020).

HĐND tỉnh Quảng Ninh dành 1000 tỷ đồng để trang sắm trang trang thiết bị y tế tốt nhất phục vụ cho công tác điều trị, chăm sóc người bị nhiễm bệnh Covid-19; công tác phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ cho người lao động trong các hộ cận nghèo, hộ nghèo, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng, mất việc do dịch bệnh Covid-19 được trích từ chi ngân sách dự phòng các cấp, từ giảm kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư, mua sắm tài sản, hội nghị, hội thảo… của tỉnh.

Kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề) Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, 
nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào ngày 31/3/2020

 

Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ khó khăn do tác động của dịch Covid-19 là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch và viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh được giao tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà nguồn tài chính của đơn vị không còn đủ khả năng để chi trả.

Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tính theo thời gian thực tế mà người lao động bị mất việc nhưng tối đa không quá 3 tháng, kể từ tháng 4/2020.

Phương thức, trình tự thủ tục: Hỗ trợ bằng tiền, trực tiếp cho viên chức, người lao động. Trường hợp Trung ương ban hành chính sách chi hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 ngoài chính sách quy định nêu trên mà sử dụng từ nguồn ngân sách địa phương thì chỉ áp dụng một chính sách với mức hỗ trợ cao nhất.

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Công thương đã xây dựng phương án triển khai các điểm bán hàng nhu yếu phẩm và đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong giai đoạn thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày 1/4/2020.

Theo đó, các siêu thị, doanh nghiệp phân phối các mặt hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện đúng cam kết đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; sẵn sàng cung ứng hàng hóa hỗ trợ các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn khi xuất hiện hiện tượng khan hiếm hàng hóa.

Đồng thời, các siêu thị, doanh nghiệp này chủ động hàng hóa, điều tiết trong hệ thống, chủ động đảm bảo nguồn hàng hóa tại quầy, kệ, kho đảm bảo đủ hàng hóa cho nhân dân; tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà cho người dân.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 490 điểm bán hàng bình ổn giá, gồm: TP Hạ Long (133 cơ sở), TP Uông Bí (32 cơ sở), TP Cẩm Phả (58 cơ sở), TX Quảng Yên (90 cơ sở), TX Đông Triều (21 cơ sở), TP Móng Cái (19 cơ sở), huyện Vân Đồn (12 cơ sở), huyện Ba Chẽ (25 cơ sở), huyện Hải Hà (22 cơ sở), huyện Tiên Yên (20 cơ sở), huyện Đầm Hà (43 cơ sở), huyện Bình Liêu (12 cơ sở) và huyện Cô Tô (3 cơ sở).

Theo Trần Trang

"https://thuonghieucongluan.com.vn/quang-ninh-trien-khai-nhieu-chinh-sach-ho-tro-nguoi-dan-bi-anh-huong-do-dich-covid-19-a92459.html"