Nông sản Việt cần mở rộng thị trường

12/05/2020 17:12

Cần đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản sang các nước khác, tránh chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc để đẩy mạnh phát triển kinh tế trong mọi tình hình diễn biến liên quan đến kinh tế thế giới.

Ngay từ sau tết Nguyên đán 2020, khi dịch COVID-19 lan rộng, TQ lập tức tạm đóng cửa biên giới. Hàng Việt xuất khẩu sang thị trường này gần như tê liệt, thực phẩm, nông sản ùn ứ. Có thời điểm hơn 2.000 xe chở nông sản ùn tắc tại cửa khẩu. Nông dân, doanh nghiệp (DN) Việt điêu đứng.

Liên tiếp sau đó, TQ cho mở cửa khẩu rồi lại tạm đóng, siết chặt… Điều này khiến DN Việt hoàn toàn bị động, thiệt hại rất lớn. Giá nông sản rớt thảm hại, như thanh long có thời điểm từ hơn 30.000 đồng/kg giảm còn 5.000 đồng/kg mà không có người mua.

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia nhận diện rõ nguy cơ khi các chuỗi cung ứng của họ quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi hàng loạt doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất vì thiếu nguyên liệu và tắc đầu ra, do vậy đã đến lúc tìm cách giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Cần mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản hơn nữa

 

Điển hình như mặt hàng gạo, thị trường này đang từ chỗ nhập hơn 3 triệu tấn gạo thì nay có lúc không nhập hoặc nhập rất ít. Một trong nguyên nhân chính là do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ khiến hàng TQ bị tồn đọng nhiều, họ ưu tiên tiêu thụ trong nước dẫn đến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh. Bên cạnh đó, TQ siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch và đưa ra nhiều chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa. Hậu quả là gạo của Việt Nam bị ép giá, thu hẹp thị trường, thậm chí có lúc bí đầu ra.

Ông Nguyễn Tất Quyền, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Rạng Đông, đánh giá thị trường TQ hấp dẫn đối với hàng nông sản Việt Nam. Bởi đây là thị trường dễ tính, tiêu thụ được hầu hết mặt hàng nông sản của nước ta. Tuy nhiên, chính vì sự dễ tính, dễ dãi đó nên trong nhiều năm, nông dân sản xuất theo kiểu xuề xòa, chưa chú trọng đến chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn. Hệ quả là khi thị trường TQ bị tắc, nhiều nông sản muốn tìm kiếm các thị trường mới cũng gặp khó vì không đáp ứng tiêu chuẩn.

Để tận dụng được thị trường TQ, đồng thời tránh tình trạng bị phụ thuộc mỗi khi việc xuất khẩu sang thị trường này gặp khó, ông Quyền cho rằng các nhà vườn, thương lái, kho vựa phải nắm thông tin thật tốt. Đơn cử như trong tháng 5 này là mùa vụ thu hoạch nhiều loại trái cây của TQ thì các nhà vườn đừng để trái nhiều. Đến tháng 7, khí hậu TQ lạnh hơn thì có thể tăng cường xuất khẩu mít, sầu riêng…, như thế mới có lời.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đánh giá chuỗi cung ứng vật tư và nuôi trồng, chế biến của thủy sản nước ta hầu như không còn bị lệ thuộc vào thị trường TQ. Các mặt hàng như thuốc, hóa chất, bao bì vật tư… phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và chế biến phát triển tại Việt Nam tạo điều kiện cho các DN chủ động hơn trong sản xuất. 

“Ngoài ra, qua dịch COVID-19, các nhà đầu tư thế giới đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất từ TQ sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là một cơ hội để kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ trở lại” - ông Hòe cho biết.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng từ khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung bùng nổ, nhiều DN đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi TQ. Nay dịch bệnh COVID-19 thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn và đây cũng là cơ hội cho Việt Nam nếu biết tận dụng.

PV

"https://thuonghieucongluan.com.vn/nong-san-viet-can-mo-rong-thi-truong-a98323.html"

Bạn đang đọc bài viết "Nông sản Việt cần mở rộng thị trường" tại chuyên mục KINH TẾ.