Cụ thể, các ý kiến ĐBQH đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là chủ đề có nhiều tranh luận trái chiều. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”. Dự thảo Luật thể hiện theo loại ý kiến này. Loại ý kiến thứ hai không đồng ý. Loại ý kiến thứ 3 đề nghị coi đây là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhấn mạnh việc bổ sung quy định cắt điện, nước "là thể hiện sự bất lực của lực lượng chức năng". "Khi anh xử phạt người ta không chấp hành thì anh lại đi cắt điện, nước. Đây là giải pháp không có tính nhân văn. Nắn nóng 39, 40 độ C mà cắt điện người ta là không nên tí nào"- ông Cương bày tỏ.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng điện, nước là một loại dịch vụ, được đảm bảo bằng hợp đồng. Do đó pháp luật phải tôn trọng và bảo vệ hợp đồng đó, chứ không nên tạo ra công cụ hành chính can thiệp, cản trở dịch vụ, cho dù là với mục đích xử lý vi phạm hành chính.
Đồng quan điểm, ĐBQH, thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng: "Cắt điện, nước thế thì công quyền rất yếu kém, bất lực và pháp luật thì không nghiêm. Một bộ máy hành chính được đào tạo bài bản, có đủ công cụ và thẩm quyền, với tận 23 biện pháp cưỡng chế mà không thực hiện được là sao?".
“Điện, nước là nhu cầu thiết, đến cả trại giam còn phải đảm bảo. Nếu lấy quyền lực nhà nước can thiệp vào quyền dân sự của dân là không nên. Không lẽ chúng ta lại bất lực đến mức như vậy?" - ông Cầu nói.
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, thẳng thắn nêu quan điểm: Tôi không ủng hộ việc cắt điện, nước. Mà kể cả đưa vào luật như vậy, doanh nghiệp, người dân tự sản xuất điện thì có cắt được họ không?.
"Dùng một quyết định hành chính để cắt điện, nước, thì tôi nói thật, quyết định sẽ rất dễ bị kiện. Trừ trường hợp "ép" tòa phải xử, còn thì Nhà nước sẽ thua. Biện pháp này là trái luật ..." - ĐB Nguyễn Mai Bộ nói.
Trái ngược với quan điểm trên, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng, thực tế, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được các cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành việc dừng hành vi vi phạm hành chính, nộp phạt và khắc phục hậu quả. Nhiều đối tượng lựa chọn các giải pháp khác như chuyển đổi tên doanh nghiệp để trốn tránh việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc bổ sung 2 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ làm cho các chủ thể vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định, để đảm bảo các hành vi vi phạm hành chính phải dừng và không gây hậu quả nghiêm trọng hơn hoặc khó khắc phục hơn.
Còn ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp tranh luận với ĐB Nguyễn Hữu Cầu: “Một số đại biểu cho rằng hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước là hợp đồng dân sự không nên can thiệp. Quan điểm của tôi là Nhà nước có thể can thiệp vào hợp đồng này, bởi lẽ bản chất của nó không thuần túy là hợp đồng dân sự. Điện, nước là mặt hàng thiết yếu, nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp. Đây là một loại dịch vụ công, dù chủ thể cung cấp dịch vụ công này có thể là cơ quan nhà nước, có thể là tư nhân. Nếu cần, nhà nước vẫn có thể can thiệp vào loại hợp đồng này.
Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức tiền phạt tối đa đối với 10 lĩnh vực, bổ sung mức tiền phạt tối đa đối với 6 lĩnh vực, giữ nguyên mức tiền phạt tối đa đối với các lĩnh vực khác. Bộ trưởng đề nghị Quốc hội cân nhắc mức tiền phạt tối đa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, đủ sức răn đe, hợp lý và phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính, vì “nếu mức phạt quá thấp cũng không đủ sức răn đe và nếu như mức phạt quá cao, quá hà khắc thì khó khả thi trong thực tiễn”.
Theo H.M
"https://thuonghieucongluan.com.vn/nhieu-y-kien-trai-chieu-trong-de-xuat-bo-sung-quy-dinh-cat-dien-nuoc-khi-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-a103444.html"