Không ít sản phẩm lưu hành là hàng giả
Thương hiệu & Công luận đã có bài phản ánh liên quan tới việc trên thị trường xuất hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên bổ thảo mộc G - Star (tăng cân G - Star) với nhiều dấu hiệu nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ.
Theo như quảng quảng cáo thì đây là phiên bản nâng cấp của sản phẩm tăng cân SQA có nguồn gốc Nhật Bản, nhưng đáng nói sản phẩm này đã từng bị các cơ quan chức năng và báo chí phanh phui từ năm 2019.
Liên quan vấn đề này, PV Thương hiệu & Công luận đã có buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH Dược Fusi (Đơn vị sản xuất sản phẩm Viên bổ thảo mộc G – Star).
Tại buổi làm việc, ông Dương Hưng Thịnh – Phó giám đốc Công ty TNHH Dược Fusi cho biết: “Nếu so sánh 2 sản phẩm (một là thật và một là giả) trên tay, thì bằng cảm quan cũng đã thấy khác nhau rồi. Chưa nói đến bên trong lọ như gói hút ẩm, màng seal thành phần cấu tạo nên viên nang…”.
Sản phẩm giả có màng co bằng nilon. Đối với vỏ hộp thì số lô hàng sản xuất sản phẩm do Fusi sản xuất được in trên cả vỏ hộp và lọ đựng sản phẩm còn hàng giả chỉ có trên vỏ hộp thôi. Và khuyến cáo trên vỏ hộp sản phẩm cũng bị thay đổi
“Sau khi nhận được thông tin từ báo chí, DN chúng tôi cũng đặt mua sản phẩm đang bán trên thị trường để về so sánh với sản phẩm do chính mình sản xuất, kết quả cho thấy sản phẩm chúng tôi đặt mua với giá 850.000 đồng/hộp là hàng giả. Đây chắc chắn không phải sản phẩm do Fusi sản xuất và xuất bán cho Công ty TNHH Dược và Mỹ phẩm Anpha Gold (địa chỉ tầng 5, số 7 Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội)”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Cũng tại buổi làm việc, ông Thịnh đã có những chia sẻ để PV cũng như NTD có sự nhận biết rõ hơn về 2 sản phẩm (sản phẩm Viên bổ thảo mộc G – Star do Công ty Fusi sản xuất và sản phẩm giả đang bán trên thị trường).
Nghi vấn chứa chất cấm Phenolphtahleine?
Phản ảnh của NTD, bên trong sản phẩm Viên bổ thảo mộc G – Star giả có chứa chất cấm Phenolphthalein (?!).
Để làm rõ phản ánh này, PV đã mang mẫu sản phẩm Viên bổ thảo mộc G - Star nghi là giả (tăng cân G-Star) đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert -Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng) để kiểm tra. Theo đó, kết quả bằng phương pháp thử LC MSMS cho thấy, hoạt chất Phenolphthlaneine trong sản phẩm mà PV đem tới có kết quả là 0,497 mg/kg.
Trước đó, trên nhiều kênh truyền thông báo chí đã đưa tin về một mẫu kiểm tra khác với ký hiệu mẫu 2020/0324-1/HS6; ngày lấy mẫu là 19/3/2020, do Trung tâm Chứng nhận phù hợp thực hiện cũng cho ra kết quả có 0,55mg/kg hoạt chất Phenolphtheine
Dẫu chỉ là kết quả thử nghiệm độc lập và mang tính tham khảo, tuy nhiên đây cũng có thể coi là một căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ việc các sản phẩm tăng cân G – Star nghi giả đang lưu hành trên thị trường có chứa chất cấm Phenolphthaleine hay không? Không phải ngẫu nhiên mà 2 mẫu kiểm nghiệm, 2 thời điểm kiểm nghiệm khác nhau đều cho ra kết quả có tồn tại hoạt chất cấm trong sản phẩm như vậy.
Liên quan tới phản ánh này, đại diện Công ty TNHH Dược phẩm Fusi cho rằng:
“Công ty cam kết lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên bổ thảo mộc G – Star đã sản xuất và xuất bán cho công ty TNHH Dược và Mỹ phẩm Anpha Gold đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, đã được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy tiếp nhận Bản đăng ký công bố số 12239/ĐKSP ngày 31/10/2019.
Về việc một số lô sản phẩm đang lưu hành trên thị trường bị nghi ngờ có chất cấm Phenolphthaleine, công ty khẳng định không sản xuất. Đồng thời, công ty đã gửi mẫu lưu lô sản phẩm Viên bổ thảo mộc G – Star (số lô: 012019; ngày sản xuất 16/11/2019; hạn sử dụng 15/11/2022) đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm, đến nay chưa có kết quả…”.
“Công ty cam kết những giải trình trên là đúng sự thật; các tài liệu, chứng cứ cung cấp là chính xác. Nếu sai, công ty sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”, ông Thịnh khẳng định.
Phenolphthaleine có trong Sản phẩm tăng cân Viên bổ thảo mộc G-Star (sản phẩm mà PV đi kiểm nghiệm độc lập) là một hóa chất thường được sử dụng trong việc đo độ kiềm/axit (pH) của dung dịch dựa vào khả năng đổi màu của nó. Chất này đã từng được sử dụng trong điều trị táo bón, nhưng các nghiên cứu cho thấy nó có nguy cơ gây ung thư và cũng có thể gây suy tim sung huyết, hoặc đột quỵ với bệnh nhân có tiền sử bệnh động mạch vành. Vì vậy, chất cấm Phenolphthaleine đã bị hạn chế và FDA cấm lưu hành các loại thuốc điều trị táo bón có chứa chất này mà bán không cần toa bác sĩ từ năm 1999. Theo thông tin từ FDA, hiện nay Phenolphthalein không có trong thành phần hoạt tính của bất cứ thuốc nào đang được sử dụng ở Mỹ. |
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Theo Hải Minh
"https://thuonghieucongluan.com.vn/vien-bo-thao-moc-g-star-la-hang-gia-chua-chat-cam-a98818.html"