Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (viết tắt là RGEP) thuộc Bộ GD&ĐT được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ hiệu quả đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Thời gian hoạt động của dự án từ năm 2015 đến năm 2020 với tổng vốn 80 triệu USD (77 triệu USD vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD NSNN).
Tại kết luận sau thanh tra số 66/KL-TTr, Thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra nhiều sai sót, bất cập tại dự án.
Tự ý thành lập Ban quản lý dự án
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, văn kiện dự án (Báo cáo khả thi) được phê duyệt còn một số nội dung trùng lặp với chương trình, dự án khác của Bộ GD&ĐT. Văn kiện dự án chưa được phê duyệt, bổ sung một số nội dung mới ngoài các nội dung dự án đã được phê duyệt.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính kết luận rằng, kế hoạch tổng thể thực hiện dự án có sự điều chỉnh về nội dung, kinh phí tại một số tiểu thành phần của dự án so với Văn kiện dự án được phê duyệt, nhưng không có tài liệu thuyết minh sự cần thiết phải điều chỉnh và chưa ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung Văn kiện dự án.
Mặc dù theo Điều 2 Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 08/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án RGEP, vay vốn Ngân hàng Thế giới nêu rõ: Không thành lập Ban quản lý dự án mới. Tuy nhiên trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã có Quyết định số 4653/QĐ-BGDĐT ngày 19/10/2015 thành lập mới Ban quản lý Dự án RGEP.
Việc này theo Thanh tra Bộ Tài chính là chưa phù hợp với Quyết định nói trên của Thủ tướng. Và hơn nữa, trước và sau khi có quyết định thành lập mới Ban quản lý dự án đến nay, Bộ GD&ĐT chưa có báo cáo giải trình lý do và xin phép Thủ tướng Chính phủ.
Nhân sự có nhiều thay đổi, chưa đáp ứng yêu cầu
Kiểm tra một số quyết định về nhận sự, Thanh tra Bộ tài chính cho rằng, nhân sự bộ phận tài chính của dự án có nhiều thay đổi, thiếu so với Sổ tay thực hiện dự án nên chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý tài chính của dự án.
Cụ thể, qua thanh tra thấy, bà Lê Thị Ninh Hà là cán bộ làm việc theo chế độ hợp đồng tư vấn nên việc bổ nhiệm phụ trách kế toán là chưa đúng theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án RGEP.
Ông Đoàn Cường kiêm nhiệm là Kế toán trưởng Ban quản lý dự án RGEP từ tháng 3/2019 nhưng từ tháng 9/2019, ông Đoàn Cường được cử đi học chính trị cao cấp hệ tập trung toàn thời gian (9 tháng), thời gian này không đảm đương nhiệm vụ kế toán trưởng nhưng không có người thay thế.
Theo Sổ tay thực hiện dự án, bộ phận tài chính của Ban quản lý dự án RGEP có 5 người (trừ kế toán về xây dựng), gồm: Kế toán trưởng, kế toán tổng hợp, kế toán thanh toán, kế toán giải ngân và thủ quỹ. Tại thời điểm thanh tra, Ban quản lý dự án chỉ có 1 kế toán tổng hợp, 1 kế toán thanh toán làm việc theo hợp đồng (riêng thủ quỹ đang nghỉ theo chế độ thai sản), kế toán trưởng đi học dài hạn không có người thay thế.
Việc thiếu kiện toàn về tổ chức, nhân lực bộ phận tài chính của Ban quản lý dự án RGEP nêu trên dẫn đến thực tế là hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác tài chính kế toán của dự án. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án triển khai thực hiện và giải ngân thanh toán chậm, để một số tồn tại, thiếu sót trong quản lý tài chính dự án.
Không đảm bảo tiến độ, quản lý tài chính lỏng lẻo
Theo Văn kiện dự án được phê duyệt, thới gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến năm 2020. Thực tế tiến độ dự án chậm, tất cả các thành phần dự án đều không đảm bảo tiến độ so với thời gian phê duyệt của Văn kiện dự án và Hiệp định tín dụng. Các lần kiểm tra, đánh giá hằng năm của Ngân hàng Thế giới đều khuyến cáo việc triển khai dự án chậm so với tiến độ đề ra.
Trong đó, có tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học) chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Quyết định số 404/QĐ-TTg, thời gian thực tế kéo dài hơn khoảng 2 năm so với dự kiến.
Việc thực hiện Dự án RGEP chậm là nguyên nhân chính dẫn đến việc Bộ GD&ĐT phải báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính cũng nêu ra một số nội dung của dự án không thực hiện (do trùng dự án khác hoặc do quá trình triển khai thực hiện thấy không phù hợp); Chậm triển khai thực hiện việc biên soạn một bộ sách giáo khoa với kinh phí phân bổ hơn 16 triệu USD.
Đối với việc quản lý dự toán, qua kiểm tra, Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng đơn vị đã không thẩm tra, quyết định phê quyệt dự toán chi phí các hoạt động. Theo đó, trong hồ sơ dự toán của 99 gói thầu thì chỉ có 2 gói thầu có quyết định phê duyệt dự toán, còn lại 97 gói thầu không thực hiện quy trình thẩm và ban hành quyết định phê duyệt dự toán. Việc này theo Thanh tra Bộ Tài chính là không đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục pháp lý theo quy định.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính còn chỉ ra một số tồn tại khác trong việc quản lý dự toán như: Việc lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện hội nghị, hội thảo tại các địa phương một số khoản thiếu căn cứ; Công tác đấu thầu điều chỉnh hình thức từ thuê hang tư vấn đánh giá sang thuê chuyên gia tư vấn, đánh giá nhưng không rõ lý do; Việc thanh quyết toán tiền lương đối với các chuyên gia tư vấn chưa đúng nguồn kinh phí; Chi trả phụ cấp công vụ cho các cán bộ biệt phái, kiêm nhiệm không đúng chế độ quy định.
Yêu cầu rà soát lại
Căn cứ vào kết quả thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị với Giám đốc Ban quản lý dự án RGEP một số nội dung. Trong đó có việc lập Ban quản lý dự án phải xin phép Thủ tướng.
Ngoài ra cần chấn chỉnh và rút kinh nghiệm về mốt số tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện dự án như đã nêu; Tổ chức rà soát lại tình hình thực hiện giải ngân kinh phí dự án để trình Bộ GD&ĐT xem xét thực hiện các thủ tục để điều chỉnh cơ cấu vốn của dự án, trong đó có điều chỉnh cơ cấu lại dự toán kinh phí (các hợp phần, đối tượng, các hoạt động thực hiện dự án) và tổ chức rà soát các nội dung thực tế phát sinh chưa có trong Văn kiện dự án.
Nghiên cứu xây dựng quy trình, thủ tục lập, thẩm tra và quyết định phê duyệt dự toán các khoản chi phí thực hiện các nội dung của dự án; Chấn chỉnh về những tồn tại, thiếu sót trong công tác lập, thẩm tra quyết định phê duyệt dự toán, tổ chức đấu thầu, việc nghiệm thu, thanh quyết toán chi phí của dự án không đúng chế độ chính sách của nhà nước; Kiện toàn tổ chức bộ phận tài chính ban quản lý dự án RGEP theo quy định và Sổ tay thực hiện dự án.
Ban quản lý dự án RGEP phải báo cáo Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định việc chi trả tiền lương cho các chuyên gia trong nước 367 triệu đồng từ nguồn kinh phí đối ứng (vốn NSNN) chưa đúng nguồn kinh phí theo kế hoạch tài chính được giao năm 2016.
Ban quản lý dự án RGEP cũng buộc thực hiện thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 147.074.883 nđồng thanh toán phụ cấp cho cán bộ dự án không đúng quy định.
Theo Đức Thế
"https://thuonghieucongluan.com.vn/nhieu-sai-pham-tai-mot-du-an-dinh-dam-cua-bo-gd-dt-a98521.html"