Người Nhật quan tâm đến nông sản xuất khẩu tại Gia Lai

20/02/2024 08:26

Với lợi thế về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, tỉnh Gia Lai đang thu hút được sự quan tâm của không ít doanh nhân đến từ Nhật Bản về các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

DSC01044

Doanh nhân Nhật Bản và Gia Lai tại TP. Pleiku. Ảnh: Minh Vỹ.

Ông chủ của chuỗi nhà hàng thịt bò Kobe tại Osaka

Trong 2 ngày (19 và 20/2), ông Matsushita và Nakamura đến từ tỉnh Osaka, Nhật Bản đã có chuyến khảo sát, gặp gỡ đối tác, thăm dò thị trường nông sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

m1

Ông Matsushita, doanh nhân đến từ Nhật Bản. Ảnh: Minh Vỹ.

Tại TP. Pleiku, đối tác người Nhật đã được ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty TNHH MTV TM Định Phát Thành (16A Hải Thượng Lãn Ông, phường Yên Thế) giới thiệu về tiềm năng, lợi thế một số nông sản có tính cạnh tranh cao, chinh phục thị trường người tiêu dùng khó tính “xứ sở hoa anh đào”, đó là mật ong, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, tổ yến, khoai lang, cao su…

m2

Ông Nguyễn Văn Minh (bên phải) và doanh nhân Matsushita kiểm tra hạt cà phê. Ảnh: Minh Vỹ.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, được sự hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Minh, doanh nhân Matsushita và Nakamura đến tham quan trực tiếp Nông trại Núi Lu (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) của anh Vũ Văn Tuyền.

m3

Người Nhật tìm hiểu qui trình nuôi ong lấy mật tại Nông trại Núi Lu. Ảnh: Minh Vỹ.

Tại đây, anh Tuyền đang nuôi 650 thùng ong đánh mật và 100 thùng ong giống dưới tán rừng cây cao su, bên cạnh là bạt ngàn rẫy cà phê đang trong mùa nở hoa, tỏa hương ngào ngạt, đan xen là hoa mua tím, trinh nữ…

Sau khi được chủ Nông trại Núi Lu giới thiệu, giải thích qui trình nuôi ong, lấy mật, bảo quản và thị trường tiêu thụ tại châu Âu, Mĩ… ông Matsushita cho biết, với người Nhật, giá cả không phải là vấn đề lớn, quan trọng nhất là chất lượng và tính độc, lạ của sản phẩm.

“Hiện tại, người Nhật chúng tôi rất quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, làm đẹp, như mật ong, cà phê, tổ yến, tiêu. Trước khi lên kệ bán cho người tiêu dùng, tất cả sản phẩm đều phải có kết quả kiểm nghiệm và công khai chất lượng sản phẩm.

Sau chuyến đi này, hi vọng trong thời gian tới tôi sẽ làm nhà phân phối các mặt hàng nông sản của Gia Lai xuất hiện tại Nhật Bản, đồng thời cũng sẽ có nhiều thương hiệu Made in Japan có mặt tại Việt Nam”, ông Matsushita nói thêm.

Doanh nhân Matsushita là ông chủ của chuỗi nhà hàng thịt bò Kobe nổi tiếng tại tỉnh Osaka, trong đó có nhiều nhân viên là người Việt Nam. Hiện tại, Matsushita có mối quan hệ tốt với lãnh đạo phụ trách kênh bán hàng quảng cáo trên truyền hình ở “xứ Phù Tang”.

 

 

Nông trại của kỹ sư ngành tự động hóa

m7

Anh Vũ Văn Tuyền, chủ nhân Nông trại Núi Lu. Ảnh: Minh Vỹ.

Nông trại Núi Lu của anh Vũ Văn Tuyền (kỹ sư chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển - tự động hóa, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) có 13 ha cà phê, hồ tiêu, bắp; 750 đàn ong (thùng ong) và 1 cơ sở giới thiệu nông sản, trạm đọc sách miễn phí (với hơn 2.000 đầu sách) tại 79A Tôn Đức Thắng, TP. Pleiku.

m4

Nuôi ong lấy mật tại Nông trại Núi Lu. 

m5

Rẫy cà phê tại Nông trại Núi Lu. 

m6

Cây tiêu của Nông trại Núi Lu. 

Được biết, hiện tại 1 lít mật ong tại Gia Lai có giá khoảng 200 - 350 ngàn đồng, trong khi đó ở Nhật Bản vào khoảng 1,5 triệu đồng, tiền vận chuyển chiếm khá lớn trong tổng giá thành.

Theo anh Tuyền: "Ngày càng có nhiều doanh nghiệp từ Nhật Bản tìm đến trực tiếp nơi sản xuất của nông dân để tìm hiểu, thu mua, phân phối, ít qua khâu trung gian, điều này sẽ giúp người chăn nuôi, trồng trọt có lợi hơn so với khi tự tìm kênh phân phối như trước đây".

 

Minh Vỹ