Nhọc nhằn nhưng vinh quang
Năm 1990 từ khi anh không còn đứng trên bục giảng nữa, anh đã chuyển sang làm cho tờ Báo Nhi đồng, rồi Tiền Phong, cho đến năm 1997 anh được chị Nguyễn Thị Vân Anh-Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công Luận chiêu binh về làm phóng viên thường trú tại Đà Nẵng, sau đó anh được đề bạt lên Phó trưởng VPMT. Tuy nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn tỉnh QN-ĐN tách riêng ra hai đơn vị hành chính Quảng Nam và Đà Nẵng, lúc bấy giờ lại càng khó khăn hơn, nhưng nhờ sự quan hệ từ cấp trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã tạo điều kiện cho Báo NB&CL hoạt động. Năm 1998 trong chuyến VPMT mở chiến dịch làm chuyên đề tại Quảng Nam, được sự quan tâm của UBND tỉnh, lúc đó anh Nguyễn Xuân Phúc - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam (nay là Thủ tướng Chính phủ) rất quan tâm tạo điều kiện cho anh em phóng viên ăn, nghỉ và tác nghiệp.
Cũng trong lần đó đề tài phóng sự nhiều kỳ viết về vụ “Thầy Tứ có chữa hết bệnh nan y hay không?”. Anh nhớ lại vụ Thầy Tứ chữa bệnh bằng phương pháp “chưởng” bằng tay ở xã Tam Xuân, H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, muốn thực tế để tiếp cận thì phải “hoá trang” làm người bệnh nhân ở nơi khác đến, nếu không hoá trang thì khó mà tiếp cận được ông “Thầy Tứ” vì phải qua nhiều cửa ải “bảo vệ”. Thế là qua nửa đêm anh và PV Giang Sơn đã tiếp cận vị trí để sáng hôm sau Thầy cho lên giường chữa bệnh. Việc đầu tiên Thầy Tứ bắt anh mở áo nằm sấp lên giường rồi dùng hương đốt lửa hơ vào lưng, mặc dù rất nóng nhưng anh phải kiềm chế chịu đựng để theo dõi từng bước thầy chữa bệnh. Thực tế cho thấy những người bệnh nhân đến đó đại đa số là những bệnh nhân làm “Cò mồi” đóng vai.
Thế là sau đó hàng loại bài phóng sự 4 kỳ được đăng lên mặt báo, lúc bấy giờ chưa có báo điện tử mà chỉ báo viết in từ Hà Nội chuyển vào. Sau khi báo đăng tải, bạn đọc cả nước đón nhận về vấn đề chữa bệnh của “Thầy Tứ” là lừa bịp không có thật, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ban ngành liên quan mời “Thầy Tứ” đến kiểm chứng ở Bệnh viện Đa khoa Núi Thành, nhưng đều vô tác dụng và kết luận phản Y học. Về phía dân sự Sở Y tế Quảng Nam phạt “Thầy Tứ” 5 triệu và ra quyết định nghiêm cấm hoạt động hành nghề chữa bệnh trái phép.
Sau khi gầy dựng ổn định được tiếng nói của tờ báo thuộc cơ quan chủ quản Hội Nhà báo Việt Nam tại Đà Nẵng thì Tổng biên tập Nguyễn Thị Vân Anh chuyển qua đơn vị mới làm Giám đốc tài chính Thời báo kinh tế Việt Nam (2000). Rồi từ đó anh chuyển về Làm Trưởng Đại diện cho tờ Báo Bạn Đường tại MTTN (thuộc Uỷ ban ATGT Quốc gia), một tờ báo mà cố Tổng Biên Tập Phạm Mạnh từng nói với anh em phóng viên, nhà báo với mọi người là tờ báo Bạn Đường là “cứu người”, rồi Báo Giao Thông, VOTO sau đó anh nghỉ hưu theo chế độ, năm 2018 anh được mời về làm Trưởng Đại diện cho Tạp chí Ánh Sáng & Cuộc Sống tại miền Trung-Trung bộ đặt văn phòng tại TP. Đà Nẵng.
Theo Nhà báo Đắc Bình, trong hàng trăm hàng nghìn nghề ngoài xã hội, báo chí có lẽ là nghề mang đậm tính chất đặc thù với phương châm: “nghề chọn người chứ người chưa chắc chọn được nghề để theo”. Cũng không ít người học ngành báo chí lại ra làm ngành kinh tế, xây dựng, nhà hàng, cũng không ít người học sư phạm, kinh tế hoặc ngành khác lại theo nghề làm báo, đúng là “cơ duyên”, đúng là bản chất của anh đối với cộng đồng xã hội, với tiêu chí của tờ báo mà anh đeo đuổi vì mục tiêu “An toàn giao thông là niềm hạnh phúc của mọi người, mọi nhà”.
Anh rong ruổi từ đường này sang đường khác, từ tỉnh này sang tỉnh nọ để nắm bắt tình hình xảy ra trên các tuyến đường bằng chiếc xe “cà tàng” mà anh xem nó như bạn đồng hành giúp anh hoàn thành những bài viết, những tấm ảnh “chướng mắt gai người”. Rồi có những lúc anh phải nhập vai “du khách” trên những chiếc xe “dù” 40 chỗ, 16 chỗ ngồi không có tuyến không có bãi mà nhà xe có thể chở trên 40 người/16 chỗ ngồi. Có những lần anh bị nhóm “bảo kê” xe dù rượt đuổi, điện thoại, nhắn tin đòi xẻo lỗ tai, cạo tóc mai của anh, có lúc lại tìm đến nhà anh đề hù dọa, phải đến lúc cơ quan chủ quản, Hội Nhà báo Việt Nam phải lên tiếng để bảo vệ anh hoạt động đúng luật pháp. Với anh chỉ mong muốn làm thế nào bớt nỗi khổ đau khi mọi người tham gia giao thông không để xảy ra tai nạn, không những bị nạn chết một cách oan uổng mà còn hệ luỵ đến cả gia đình họ hàng và cả xã hội.
Những bài viết, những phóng sự ảnh của anh và phóng viên thuộc VPMT sau khi đăng tải được công chúng đón nhận, cơ quan chủ quản, Hội, Sở TTTT tặng bằng khen, bởi lẽ anh là một Nhà báo Bạn Đường luôn có chữ “T M”, biết xoa dịu những nỗi đau của những người bị TNGT lan tỏa đến gia đình và xã hội. Mỗi chuyến đi trên các tuyến đường là hành trình trải dài xuyên suốt để nắm bắt những hình ảnh diễn ra hàng ngày, anh ghi lại với những khoảnh khắc để chuyển về toà soạn, như đường sá hư hỏng, không có biển báo, biển hướng dẫn, người dân lấn chiếm lòng lề đường, phóng nhanh vượt ẩu, xe công nông hoành hành, điều khiển mô tô xe máy chở 4, chở 5 không đội MBH, xe chở quá tải trọng làm hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị… khi báo đăng là bạn đọc đón nhận, các cơ quan chính quyền, quản lý, doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.
Không ít con người được đào tạo bài bản chuyên sâu nhưng cả đời chỉ theo nghề dang dở bởi thiếu một chữ “duyên”!. Nhưng cũng có những con người vô tình chạm vào hai chữ “báo chí” một lần mà cả đời không dứt nổi. hơn 30 năm bám nghề không quá dài nhưng cũng đủ thấm, đủ ngấm và đủ hiểu “yêu nghề phải chấp nhận hy sinh”!. Nhà báo Nguyễn Đắc Bình - bộc bạch!.
Khó nhọc nghề báo nhưng vì cái… nghiệp
Phải nhìn nhận rằng, ngoài sự vất vả, khó nhọc, nghề báo còn phải đối mặt với không ít nguy hiểm. Vì đặc thù công việc luôn bảo vệ sự công bằng, đạo lý tốt đẹp nên lắm lúc các nhà báo gặp không ít tình huống cam go. Với tính chất nghề nghiệp của mình, những người làm báo không ít trường hợp phải đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không cung cấp thông tin, cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp, vu khống, trả thù…Song, nếu viết đúng, trúng được sếp Tổng chỉ huy bảo vệ, đồng lòng và chia sẻ với phóng viên thì mình tăng thêm sức mạnh tinh thần để “chiến đấu” với cái ác, cái gian, cái tham chắc chắn sẽ thành công trong những tác phẩm.
Anh biết rằng Nghề báo nhiều gian khổ, nhưng cũng đem lại không ít niềm vui. Những chuyến đi với những cuộc gặp gỡ với nhiều cuộc đời, nhiều số phận, nhiều sự vụ, kể cả những lần gặp Chính khách, giám đốc, lãnh đạo của một đầu ngành, cơ quan thực thi pháp luật, những cán bộ chiến sĩ CSGT, TTGT, CSTT bám đường để bảo đảm ATGT cho mọi người, chính điều này đã cho anh trải nghiệm và vốn sống, để hiểu mình cần sống tích cực hơn, hiểu được trách nhiệm của người cầm bút. Anh cho rằng người làm báo là phải tích lũy liên tục cả vốn sống và kiến thức thì ngòi bút mới “sắc bén” và lòng cũng “trong trẻo” hơn.
Anh khẳng định, niềm vui lớn nhất của nghề báo đó là khi các tác phẩm của mình đưa đến công chúng được đón nhận và nó mang lại điều tích cực cho xã hội, đẩy lùi cái xấu. Đặc biệt đối với những phóng viên theo mảng điều tra thì những khó khăn, hiểm nguy, máu và nước mắt luôn đi kèm là sự vinh quang, tự hào. Anh luôn rất trân trọng, khâm phục những người dám dấn thân, dám đương đầu với những khó khăn và nguy hiểm để đưa “cái xấu” ra ánh sáng. Điều quan trọng hơn là họ bản lĩnh, vượt qua cám dỗ của vật chất để giữ tâm mình luôn trong sáng. Với Nhà báo Đắc Bình điều đó đã chứng tỏ và anh luôn nghĩ rằng làm thế nào để bạn đọc mến yêu, tôn trọng tác phẩm của mình và họ sẽ mãi nhắc đến mình mới là vinh dự.
Với anh, anh luôn sống hòa mình với đồng nghiệp, tôn trọng lẽ phải với cấp trên, anh không nghĩ Nhà báo là cái gì phải “Đao to búa lớn”, anh chỉ nghĩ hai từ đơn giản mình chỉ là “sứ giả” để chuyển tải những thông điệp mới hay, lạ, nhân văn đến với mọi người, mọi tầng lớp, cái chính là làm thế nào để sức mạnh lan tỏa đến xã hội, cộng đồng. Nhiều PV, nhà báo đã và đang công tác tại các tòa soạn nay đã trưởng thành.
Với anh vượt qua những nhọc nhằn, khó khăn. Nếu không dấn thân, không chịu đựng và không yêu nghề thì người làm báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, hay nói cách khác “bỏ cuộc nửa chừng” thì có lỗi với nhân dân, người làm báo cũng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Theo Nhà báo Đắc Bình để có những bài báo hay, chất lượng, mang hơi thở cuộc sống lan tỏa với cộng đồng xã hội, sự quan tâm, góp ý của bạn đọc là nguồn động viên để những người làm báo không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tay nghề, góp phần mang lại sự sinh động, đa dạng phản ánh đúng hiện thực cuộc sống, đó là niềm hạnh phúc nhất của người làm báo.
Trong cơ chế thị trường hiện nay dễ bị cám dỗ, Nhà báo chính thống cần phải tự chủ, bản lĩnh với những thông tin tràn ngập trên mạng xã hội, có những phần đúng, có nhiều phần sai, người làm báo cần chắt lọc, phân định những tinh hoa, định hướng cho bạn đọc biết đâu là đúng, đâu là sai và cái cốt lõi cuối cùng nhất là hướng đến điểm về ĐÍCH đó là CHÂN-THIỆN-MỸ cho mọi người, cho xã hội, vì cái Nghiệp đã dấn vào thân...
Theo Phùng Sơn