Ngành CNTT-VT là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam

14/06/2023 08:09

Trong bối cảnh khó khăn kinh tế vĩ mô toàn cầu, ngành công nghệ thông tin - viễn thông Việt Nam vẫn có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Ngày 12/6, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố danh sách Top 10 công ty công nghệ uy tín năm 2023, đồng thời đưa ra bức tranh của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023.

Uy tín của các Công ty Công nghệ được đánh giá một cách khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp, đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media Coding, khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 5-6/2023.

Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2023 được Vietnam Report công bố theo 2 danh sách: Top 10 Công ty Công nghệ thông tin – Viễn thông uy tín và Top 10 Công ty Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2023.

Ngành CNTT-VT là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, doanh thu tới 148 tỉ USD - Ảnh 1.

Top 10 Công ty Công nghệ thông tin - Viễn thông uy tín năm 2023. Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2023, tháng 6/2023

Ngành CNTT-VT là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, doanh thu tới 148 tỉ USD - Ảnh 2.

Top 10 Công ty Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2023. Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Công nghệ Uy tín năm 2023, tháng 6/2023

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức mới nổi và chuyển biến bất ngờ trên các khía cạnh kinh tế vĩ mô toàn cầu, ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7%; trong khi số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 khoảng 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021.

Bốn năm kể từ khi thông điệp “Make in Vietnam” chính thức được đưa ra, CNTT-VT đã trở thành ngành kinh tế động lực của cả nước, giữ vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Tỷ lệ đóng góp vào GDP của lĩnh vực công nghiệp CNTT cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử đều ghi nhận sự gia tăng so với thời điểm năm 2021 (+8,7% và +11,6%).

Năm qua cũng đánh dấu sự kiện Việt Nam có tên trong danh sách số ít quốc gia sản xuất được chip trên thế giới và ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mấy lớn nhất nước ta. Một dấu ấn tích cực khác của ngành trong năm 2022 là đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chuyển hướng từ gia công sang đầu tư cho nghiên cứu phát triển, bằng việc thiết lập các trung tâm R&D tại Việt Nam. Khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.

Tuy nhiên, giai đoạn từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 chứng kiến các doanh nghiệp trong ngành dần “ngấm đòn” từ sức cầu yếu do rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và áp lực lạm phát. Quý I/2023, doanh thu công nghiệp CNTT cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử Việt Nam giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 845.577 tỷ đồng, tỷ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt khoảng 26,6 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đã gây ra những ảnh hưởng rõ nét đến nền kinh tế nói chung, trong đó có ngành CNTT-VT. Các chuyên gia của Vietnam Report nhận định, sự giảm tốc này được dự báo sẽ ít nhiều còn ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách đầu tư và chi tiêu cho CNTT-VT của các khách hàng trong năm tới và sẽ có sự phân hóa trong diễn biến của các phân khúc dịch vụ CNTT-VT.

Mới đây, khảo sát do Vietnam Report tiến hành vào tháng 3/2023 chỉ ra công nghệ thông tin - viễn thông dẫn đầu top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2 - 3 năm tới với tỉ lệ 63,6% số doanh nghiệp lựa chọn.

Khảo sát cũng chỉ ra top 4 khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành đã, đang và sẽ phải đối mặt trong năm 2023, bao gồm: (1) Tuyển dụng và giữ chân nhân tài; (2) Thiếu chính sách, quy chế, khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho sản phẩm, dịch vụ phát triển trên các nền tảng công nghệ mới; (3) Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành; và (4) Hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư.

Huyền My (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Ngành CNTT-VT là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam" tại chuyên mục KINH TẾ.