Ba ngành sản xuất quan trọng tại Việt Nam là điện thoại, điện tử và ô tô được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc - vốn là quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cực kỳ lớn cho các ngành này.
Lo thiếu hụt nguồn cung từ Hàn Quốc
Trước tình hình số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng vọt, hiện Hàn Quốc trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Vì lo ngại dịch bệnh, động thái bước đầu là nhiều chuyến bay giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã bị huỷ.
Chia sẻ về việc ứng phó tình hình dịch bệnh Covid-19 tại cuộc họp ngày 25/2 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, ông Khánh cho biết các hãng sản xuất điện tử như Samsung, LG thời gian qua ít bị ảnh hưởng vì nguồn cung nguyên liệu chủ yếu đến từ Hàn Quốc mà rất ít đến từ Trung Quốc. Thế nhưng hiện nay, do dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc nên nguồn cung từ nước này bắt đầu giảm.
Số liệu thống kê cho thấy Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu (NK) đứng thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Hồi năm ngoái, kim ngạch NK từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 46,93 tỷ USD.
Có thể kể những nhóm hàng NK có kim ngạch rất lớn từ nước này là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt hơn 16,8 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (6,16 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (5,92 tỷ USD).
Ngoài ra, còn có nhóm hàng NK với kim ngạch 1 - 2 tỷ USD như: Nguyên liệu vải các loại; xăng dầu các loại; sản phẩm từ chất dẻo; chất dẻo nguyên liệu; kim loại thường khác; sắt thép các loại; linh kiện, phụ tùng ô tô.
Với số kim ngạch NK “khủng” như vậy từ Hàn Quốc, một khi thị trường này “hắt hơi” vì dịch Covid-19 như trường hợp Trung Quốc, việc ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu sản xuất ở Việt Nam có thể sẽ không nhỏ.
Trong khi đó, những dự báo từ giới chuyên gia cho thấy do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu NK từ Trung Quốc, Hàn Quốc, nên trước tác động của dịch Covid-19, giá thành sản phẩm của nhiều ngành sản xuất trong nước có nguy cơ tăng do nguồn cung nguyên liệu khan hiếm.
Thậm chí, tại Tp.HCM, một số doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may bày tỏ lo ngại nhà máy của họ có nguy cơ phải đóng cửa trong ngắn hạn một khi nguồn nguyên liệu NK từ Trung Quốc không về kịp, vì hiện nay chỉ đủ nguyên liệu để sản xuất cho đến giữa tháng 3 hoặc đầu tháng 4.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, giám đốc một DN ngành hàng nông sản thực phẩm ở Tp.HCM cho rằng trước việc khan hiếm nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc hoặc có thể là Hàn Quốc trong tương lai gần, nếu có được nguồn cung nguyên liệu trong nước đáp ứng nhu cầu cho DN để thay thế nguồn nguyên liệu nhập thì sẽ có ý nghĩa rất lớn. Điều đó đòi hỏi các DN trong nước cần liên kết sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nguồn nguyên liệu đầu vào.
Khó tránh rủi ro
Còn thực tế trước mắt, theo vị giám đốc này, để có nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguồn cung giá rẻ từ Trung Quốc, DN phải “đỏ mắt” đi tìm ở các địa phương.
Nhìn từ “căn bệnh” phụ thuộc nguyên liệu nhập, có thể thấy các ngành sản xuất ở Việt Nam cần tính đến việc xây dựng nguồn cung cấp trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu.
Để làm được điều đó, theo giới chuyên gia, các DN cần đầu tư một cách có chiều sâu vào máy móc, khoa học công nghệ, sản xuất được nguyên vật liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm của mình.
Các DN cũng nên lập ra một hệ thống sản xuất có tính liên kết và phân công rõ ràng, chuyên môn hóa từng khâu. Và việc phát triển công nghiệp hỗ trợ về nguyên phụ liệu chính là giải pháp then chốt cho bài toán này.
Trở lại vấn đề về nguồn cung từ Hàn Quốc, chẳng hạn với ngành điện tử và ô tô, các nhà đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam trong hai lĩnh vực này lâu nay được cho là dựa vào hệ thống nhà cung cấp (các nhà cung cấp cấp 1) ở Hàn Quốc để có nguồn cung đầu vào, mà Samsung là một điển hình.
Với ngành điện tử, một cuộc khảo sát từng cho thấy đầu vào NK chiếm 70% tổng đầu vào (về giá trị). 12% là do các công ty đa quốc gia sản xuất trong nước và 18% còn lại của các đầu vào được sản xuất bởi các công ty FDI khác trong nước.
Còn với ngành công nghiệp ô tô, theo kết quả khảo sát, trong khi tỷ lệ nội địa hoá của dòng xe thương mại (xe buýt và xe tải) đang tăng lên thì việc sản xuất lắp ráp ô tô con vẫn phụ thuộc nặng nề vào phụ tùng, linh kiện NK (mặc dù một số bộ phận đơn giản và thâm dụng lao động như ghế ô tô đã được sản xuất trong nước).
Đặc biệt là các phụ tùng, linh kiện phức tạp như: Động cơ và hộp số thường được NK từ các chi nhánh của công ty mẹ hoặc từ các nhà cung cấp nước ngoài, mà việc NK từ thị trường Hàn Quốc là một điển hình.
Tựu trung lại, trong khi nguồn nguyên liệu nội địa chưa thể đáp ứng, một khi các ngành sản xuất ở Việt Nam còn phụ thuộc nặng vào nguyên liệu nhập, nhất là tập trung nhiều vào một hai thị trường lớn thì những rủi ro là điều khó tránh khỏi.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/moi-mon-nguon-cung-nguyen-lieu-noi-dia/20200226044745589"