Kinh nghiệm chống dịch của những nước kiểm soát COVID-19 tốt nhất thế giới

06/04/2020 22:38

Nhờ phản ứng nhanh, áp dụng biện pháp phù hợp mà nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Đức, Đài Loan, Việt Nam, Hàn Quốc... có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh tốt hơn.

Đài Loan (Trung Quốc): Triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch nhanh chóng

Trong trận dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003, Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đến hiện tại, dư chấn của nó vẫn hằn sâu trong tiềm thức của người dân, khiến Đài Loan phản ứng nhanh trước COVID-19 nhanh và nghiêm túc hơn nhiều nơi khác trên thế giới.

Khi Trung Quốc đại lục trở thành nơi bùng phát dịch COVID-19, Đài Loan trở thành nơi có nguy cơ lây nhiễm mạnh. Tuy nhiên, chính phủ và người dân nơi đây đã có những biện pháp kịp thời và nhanh chóng khi các quốc gia khác còn tranh cãi nên làm gì. Tại nhiều nơi trên lãnh thổ Đài Loan, người dân đã có thói quen đeo khẩu trang từ tháng 1 – trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu khuyến cáo.

 

Bên cạnh đó, hệ thống y tế Đài Loan thuộc hàng tốt nhất thế giới. Ngay khi dịch bùng lên ở Vũ Hán, Đài Loan đã tung ra một loạt ít nhất 124 biện pháp trong 5 tuần gần đây để bảo vệ Sức Khỏe cộng đồng. Loạt chính sách và hành động không chỉ giới hạn ở việc kiểm soát biên giới, chính quyền Đài Loan còn đẩy mạnh sản xuất khẩu trang trong nước, xét nghiệm trên diện rộng, trừng phạt nghiêm khắc những người tung tin giả về dịch bệnh.

Ngay từ sớm, Đài Loan đã cấm người đến từ Trung Quốc nhập cảnh, không cho du thuyền cập bến, trừng phạt nghiêm khắc người vi phạm lệnh cách ly tại nhà...

Hàn Quốc – Xét nghiệm trên diện rộng

Sau Trung Quốc, Hàn Quốc là quốc gia thứ hai trên thế giới bùng phát dịch COVID-19. Lúc đầu, số ca nhiễm tăng nhanh khiến nhiều người hoang mang, tuy nhiên sau đó nhờ những chính sách phù hợp, Hàn Quốc đã tránh được viễn cảnh xảy ra khủng hoảng nằm ngoài tầm kiểm soát và là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất thế giới (chỉ hơn 1%).

Hàn Quốc đã áp dụng chiến lược phối hợp giữa tuyên truyền và thông tin với xét nghiệm quy mô lớn. Tất cả những người thân, người tiếp xúc với ca dương tính đều phải tìm kiếm và đưa đi xét nghiệm. Hành trình của các bệnh nhân được dựng lại chi tiết và công bố cho mọi người. Mỗi khi có ca bệnh mới, người dân xung quanh sẽ được tin nhắn báo về. Ngoài cơ sở y tế và bệnh viện, hàng chục trạm xét nghiệm di động được lập ra.

 

Chỉ sau 1 tuần phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào tháng 1/2020, chính phủ Hàn Quốc đã gặp mặt đại diện các công ty y tế hàng đầu để kêu gọi phát triển các dụng cụ xét nghiệm COVID-19 nhằm sản xuất hàng loạt, đẩy nhanh thủ tục đưa bộ xét nghiệm ra thị trường.

Đặc biệt, người dân tin tưởng và hợp tác với các biện pháp chống dịch được chính phủ đưa ra. Họ ở nhà, hạn chế ra ngoài, giữ khoảng cách khi hoạt động xã hội, hạn chế tiếp xúc và tụ tập, hủy toàn bộ các sự kiện công cộng.

Việt Nam - Cách ly kịp thời, toàn dân tin tưởng vào chính phủ

Theo khảo sát được nền tảng nghiên cứu Dalia công bố hôm 30/3, Việt Nam có tỷ lệ người dân tin vào chính phủ cao nhất khi 62% cho rằng, chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 phù hợp, không quá mạnh tay, hay lỏng lẻo.

Ngay từ đầu, chính phủ Việt Nam đã có những hành động kịp thời và phù hợp. Từ trước tết, chính phủ đã khuyến cáo người dân không đến Vũ Hán, những người qua các cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc được kiểm tra thân nhiệt và khai báo dịch tễ.

 

Sau khi có ca nhiễm ở Vĩnh Phúc, chính phủ đã cách ly cả xã Sơn Lôi 14 ngày để chặn đứt dịch bệnh lây lan. Khi dịch quay trở lại hồi đầu tháng 3, chính phủ đã kịp thời cách ly, xét nghiệm những người có liên quan đến ca nhiễm, phun khử khuẩn toàn bộ những địa điểm liên quan, tiếp tục đóng cửa các trường học. Chính phủ cũng yêu cầu người dân chỉ ra ngoài khi cần thiết, luôn đeo khẩu trang nơi công cộng… Bên cạnh đó, đóng cửa toàn bộ những địa điểm vui chơi công cộng, quán ăn, quán bar, nhà hàng, khách sạn… và dừng xuất nhập cảnh.

Đức - Hạn chế tỷ lệ tử vong

Châu Âu hiện tại trở thành ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới. Trong đó, Italy và Tây Ban Nha là 2 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Số ca nhiễm ở Pháp và Anh cũng tăng rất nhanh. Dù có số ca nhiễm virus không thấp, nhưng Đức dường như đang đi ngược xu hướng ở châu Âu khi có tỷ lệ tử vong do COVID-19 chỉ khoảng 0,96 %. Tỷ lệ này rất thấp so với Tây Ban Nha (8,8%), Ý (11,4%) và Trung Quốc đại lục (4,02%).

Để có được kết quả này là nhờ hàng loạt chính sách của chính phủ Đức. Đầu tiên có thể kể đến việc xét nghiệm trên diện rộng. Ngay từ giữa tháng 1 khi Đức vẫn còn “lạ lẫm” về virus corona, bệnh viện Charité ở Berlin đã phát triển một kit xét nghiệm và đăng công thức lên mạng. Đến tháng 2, khi Đức có ca nhiễm đầu tiên thì các phòng thí nghiệm trên cả nước đã có hẳn một kho dụng cụ xét nghiệm.

 

Đức xét nghiệm rất nhiều cho người dân, hiện nay là khoảng 350.000 xét nghiệm mỗi tuần – con số cao hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Việc xét nghiệm sớm trên diện rộng giúp nước này điều trị và cách ly kịp thời. Đức cũng đẩy mạnh việc theo dõi tiếp xúc, xét nghiệm toàn bộ những người có liên quan bệnh nhân, từ gia đình, trường học đến nơi làm việc đều phải cách ly và đóng cửa.

Bên cạnh đó, Đức còn sở hữu hệ thống y tế công lập lẫn tư nhân rất phát triển, toàn diện. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, trung bình mỗi người Đức chi 4.714 USD/năm cho chăm sóc y tế - cao so với nhiều quốc gia khác. Đức cũng là nước đứng thứ 2 châu Âu về tỷ lệ giường bệnh chăm sóc đặc biệt.

Để kiềm chế dịch COVID-19, Đức bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa từ 24/3, cấm tụ tập trên 2 người (trừ gia đình), phạt nặng các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, sự lãnh đạo của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng là một lý do khiến tỷ lệ tử vong được giữ ở mức thấp. Cụ thể, bà Merkel đã thể hiện thông điệp rõ ràng, bình tĩnh trong suốt cuộc khủng hoảng trong khi áp đặt cách biện pháp hạn chế ngày một khắt khe hơi. Các biện pháp hạn chế được áp dụng rộng rãi, ít bị người dân phản đối.

Theo Thùy Nguyễn

"https://baosuckhoecongdong.vn/kinh-nghiem-chong-dich-cua-nhung-nuoc-kiem-soat-covid-19-tot-nhat-the-gioi-161554.html"